
Bước đi từ nghề thêu truyền thống
Trong 20 năm qua, những bộ trang phục cung đình trưng bày ở những cuộc triển lãm và bảo tàng trong và ngoài nước đã thu hút sự chú ý của công chúng.
Nghề thêu từ khi được ông Tổ Lê Công Hành (1606-1661) truyền dạy cách đây 350 năm vào giữa thế kỷ 17 ở xã Quất Động-Thường Tín, dần tỏa rộng khắp các làng lân cận. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, hậu duệ những nghệ nhân thêu thôn quê Thường Tín được trưng dụng tới Huế làm các trang phục cung đình như long bào, áo, mũ, hia, hài cho triều Nguyễn (1802-1945).
Sinh năm 1969, cũng như bao đứa trẻ ở làng Đông Cứu, Vũ Văn Giỏi có một tuổi thơ vất vả mà êm đềm bên đồng ruộng. Làng Đông Cứu hồi đó cũng có cả nghề thêu truyền thống từ lâu đời. Ban ngày Giỏi chăn trâu, tới lớp. Tối đến anh lại ngồi nhìn ông bà, cha mẹ thêu những con rồng, con phượng và học hỏi theo. Cũng chính vì thế mà lúc còn ít tuổi, Giỏi đã có thể thêu được những đường thêu rất khó, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Năm 10 tuổi, Vũ Văn Giỏi bắt đầu biết thêu và dần kế thừa cha ông nghệ thuật thêu rồng, thêu phượng. Thêu rồng, phượng cung đình - nét đặc sắc lâu đời vùng Thường Tín xưa được thể hiện qua kỹ thuật thêu đường lượn, đường viền các khối hình, thêu nối đầu, thêu đột, thêu kim tuyến… Dần dần, anh học thêu áo vua và trang phục cung đình.
Học hết phổ thông, Giỏi lên đường nhập ngũ. Năm Giỏi xuất ngũ trở về với làng quê, đó là những năm 90 của thế kỉ trước, kinh tế đất nước còn rất khó khăn. Với vốn kiến thức về nghề thêu trong tay, Vũ Văn Giỏi đã trở lại với nghề truyền thống của gia đình. Lúc đó anh cũng chỉ nhận thêu những trang phục lễ hội là chính.
Những năm 1993, 1994, có 1 người Việt Kiều trong thời gian nghiên cứu và tìm hiểu các trang phục từ xa xưa, đặc biệt là trang phục cung đình đã tìm đến anh Giỏi. Ban đầu là những bộ trang phục hát quan họ và 1 số trang phục in ấn khác. Sau đó cả 2 bắt tay vào nghiên cứu trang phục vua chúa các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
Đến trang phục cung đình
Việc nghiên cứu, phục chế trang phục cung đình nói ra thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm khó vô cùng. Suốt 15 năm trời vừa học, vừa thêu, anh cũng mới chỉ hoàn thành được khoảng 30 bộ được coi là hoàn chỉnh. Nhưng để đạt được con số đó là cả 1 quãng thời gian người thợ thêu lặn lội khắp nơi vừa để “tầm sư”, vừa để tìm nguyên vật liệu.
Năm 1995 anh bắt tay vào làm lô áo đầu tiên. Đó là chiếc áo bào của Hoàng tử đời nhà Nguyễn.
Để có được hình mẫu nguyên bản, anh Giỏi đã mày mò ở rất nhiều tài liệu của thời kì này. Những bức ảnh, bức tranh truyền thần cũng chỉ giúp anh có được kiểu dáng. Còn về màu sắc và đường nét, anh phải vào tận trong Huế để xem. Bên cạnh đó, anh còn đi tìm hiểu những nghệ nhân đã 1 thời thêu áo cho hoàng tộc còn sót lại. Rất may cho anh, những người nghệ nhân như thế làng anh cũng có vài cụ. Với tay nghề khá cao, cũng không khó cho anh Giỏi trong việc lựa chọn màu sắc, chất liệu cho phù hợp.
Đến công đoạn tìm nguyên vật liệu mới là công đoạn phức tạp nhất. Từ vải cho đến chỉ may các trang phục cung đình hầu như không ai còn sản xuất nữa. Anh tìm đến những làng nghề mà trước đây đã từng làm loại vải, loại chỉ này và phải trả những mức giá rất cao người ta mới đồng ý làm cho anh. Có được vải, được chỉ rồi lại còn phải tìm công thức nhuộm. Tất cả các trang phục cung đình đều được nhuộm từ 1 số loại thảo mộc đặc biệt, và để tìm những loại này, hòa trộn làm sao cho có đúng tỉ lệ là biết bao nhiêu công sức anh nghiên cứu.
Suốt 3 năm ròng, chỉ biết ăn, ngủ vì chiếc áo bào đó, cuối cùng anh cũng làm được 20 cái áo đầu tiên. Nhưng xem đi xem lại mới thấy vẫn còn chưa thực sự đúng với 2 chữ “phục chế” vì nhiều cái còn chưa giống. Anh đành cắn răng bỏ hết và làm lại từ đầu.
Năm 1998, chiếc áo thái tử triều Nguyễn đã được anh phục dựng thành công sau bốn năm nghiên cứu. Qua hơn 15 năm làm nghề phục dựng trang phục cung đình, anh làm được 30 bộ áo, từ áo vua tới áo hoàng hậu, thái tử, công chúa. Bộ trang phục cung đình của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã gắn liền sự kiện UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2003.
Nói về nghề cùng kỹ thuật phục dựng áo vua, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cho biết: "Loại trang phục này đòi hỏi tỉ mỉ, khắt khe, chính xác tới từng chi tiết như chọn tơ, xe chỉ, nhuộm màu, đường thêu. Để hiểu về mẫu mã trang phục cung đình xưa anh phải tự mày mò nghiên cứu qua sử sách, hoa văn, họa tiết trên các di vật còn lại trên bia đá cổ, đình, chùa, cũng như học hỏi các cụ già làm nghề thêu trong làng…"
Trang phục mỗi triều vua có chất liệu riêng nên phải chọn sao cho phù hợp. Triều Lý (1009-1225) dùng gấm vóc may lễ phục, vua mặc áo màu vàng, quần tía, búi tóc, cài trâm vàng.
Triều Nguyễn (1802-1945), trang phục vua có mũ miện, áo long cổn, xiêm, đai, hia… Áo long cổn bằng sa nam màu vàng trầm, thân áo thêu nhiều họa tiết như rồng, mặt trời, mặt trăng, sao, núi. Vạt thêu rồng, mây, hình sóng nước… Tay áo thêu họa tiết hình con dơi cùng rồng quay đầu xuống. Bên trong mặc áo đơn màu bạch tuyết, cửa tay thêu hình rồng, mây.
Chất liệu vải, chỉ thêu bằng tơ tằm. Cách thêu đường canh nào, theo đúng đường canh đó. Dù có hàng ngàn mũi chỉ trong một đường canh thì các mũi này phải đều nhau cả về độ dài lẫn khoảng cách. Chỉ thêu tơ tằm màu sắc hòa nhã, không bóng nhưng cũng không xỉn.
Áo của mỗi ngôi thứ khác nhau cũng dùng một loại chỉ khác nhau. Áo vua (long bào) dùng chỉ xe hai chiều, nền màu ngũ sắc thiên lam, vàng. Áo hoàng hậu có màu tím, đỏ, hồng. Áo hoàng tử màu vàng. Màu kim tuyến áo hoàng hậu khác áo công chúa, hoàng tử. Mỗi trang phục đều có quy định riêng khắt khe về khoảng cách giữa các họa tiết, khuy cài... nên mỗi trang phục phải đặt một thợ riêng giỏi làm cho từng chi tiết. Bộ áo đơn giản nhất cần bốn thợ thêu trong vòng năm tháng.
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi tâm sự: "Phục dựng trang phục cung đình đã thành nghiệp rồi. Dường như các vua 'có chỉ' cho mình gắn bó với việc làm sống lại trang phục cung đình các triều đại." Nghệ nhân cũng mong muốn thành phố Hà Nội có sự đầu tư tiền của để phục dựng trang phục cung đình triều Lý (1009-1225) trưng bày tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.
Hoàng Long (tổng hợp)