Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

Với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân dân Hà Nội đã cùng cả nước anh dũng chiến đấu đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hà Nội trở thành thủ đô của đất nước.

Xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân
 
Chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập đã phải đối phó với thù trong giặc ngoài câu kết với âm mưu lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Trước tình thế nguy nan "ngàn cân treo sợi tóc", dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng bộ đã đoàn kết toàn dân thủ đô thực hiện "kháng chiến kiến quốc", chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ củng cố chính quyền cách mạng, đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Anh-Pháp-Mỹ-Tưởng và bọn tay sai phản động, bảo vệ chế độ mới, giữ vững an ninh trật tự xã hội ở thủ đô.
 
Trong những ngày tháng cam go này, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chủ trương "hòa để tiến", ký với Pháp Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) để đuổi quân Tưởng về nước, đồng thời tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, không sớm thì muộn sẽ xảy ra.
 
Ngày 18/3/1946, 1.200 quân Pháp được phép vào Hà Nội và đóng ở những vị trí đã quy định. Ngay sau khi vào thành phố, tướng lĩnh Pháp đã vạch kế hoạch quân sự, từng bước chiếm đóng thành phố, tiến tới lật đổ Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xâm lược Việt Nam một lần nữa.
 
Từ ngày 18/4 đến ngày 12/5/1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam và Pháp đã họp trù bị ở Đà Lạt chuẩn bị cho cuộc đàm phán đình chiến. Trong Hội nghị, phái đoàn Chính phủ Việt Nam đã đấu tranh vạch trần âm mưu của thực dân Pháp định xóa bỏ Hiệp định sơ bộ 6/3, hòng lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam. Sau gần một tháng, Hội nghị bế tắc vì thái độ ngoan cố của phái đoàn Pháp.

Ngô Hồng

Đăng lúc: 14/04/2011 13:33

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối