
Nhà cửa hoang sơ, không trát vôi vữa.
Khác với "...địa hình sơn thủy, Thổ Hà eo ở phía đông giống như hình con rồng quay lại chầu chốn Tổ. Ở phía tây tựa hình con hổ ngồi chầu về tôn miếu. Ở phía nam thì đỉnh non nguyệt ghi rõ trong sách trời..." mà bia Thủy tạo đình miếu (dựng năm 1692 tại Phủ Bắc Hà, huyện An Việt, xã Thổ Hà) đã ghi; nay đứng từ bên này sông Cầu để đón phà sang mảnh đất Thổ Hà, dường như không còn thấy cái dáng vóc nên thơ, hữu tình, tươi đẹp của mảnh đất làng nghề trù phú, phát đạt. Thổ Hà như một thế giới khác, với những ngôi nhà không được trát vữa; nhà, quán tiêu điều, không khách vãng lai.
Nhìn quanh làng, tôi không thấy chum, vại, những sản phẩm sành sứ xếp dọc con đường làng, bên tường nhà như những làng gốm khác. Dường như nơi đây không còn giống với những gì đẹp đẽ và thơ mộng như trong các bức hình đã được ghi lại thuở hoàng kim. Đây đó chỉ thấy tiểu sành được sử dụng vào việc xây tường. Trong làng không có mùi nồng của đất nung như trước mà chỉ thấy nặng mùi phân lợn. Quanh đình làng Thổ Hà mặc dù mới được trùng tu nhưng rác rưởi la liệt, nhìn rất mất mỹ quan.
Vẫn nghĩ cái nôi của đồ gốm sứ miền Bắc đã đem lại cho dân chốn này một cuộc sống hơn hẳn nhiều nơi khác nhưng giờ đã đổi thay quá đỗi. Đứng trước thời buổi kinh tế thị trường khắc nghiệt, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và mẫu mã của sản phẩm, người làm nghề gốm Thổ Hà lúng túng, không theo kịp thời đại và đành để mai một nghề truyền thống, chuyển sang làm kinh tế khác.
Dấu tích nghề gốm giàu có xưa kia dường như chỉ còn vương lại trong ký ức của những nghệ nhân cao tuổi. Cả làng giờ chỉ còn một Hợp tác xã gốm, mà kho hàng của Hợp tác xã thì cũng không có sản phẩm gì đáng lưu tâm và đúng tầm cỡ của một làng nghề.

Tiểu được mang ra xây tường.

Lợn được nuôi ngay trong nhà.
Tìm đến nhà cụ Tuất, một nghệ nhân có tiếng và là người đầu tiên phục hồi làng nghề truyền thống thì được biết, đầu năm 90 của thế kỉ 20, gốm Thổ Hà rơi vào tình trạng sản phẩm làm ra không bán được do thị hiếu, nhu cầu trên thị trường thay đổi mà những sản phẩm gia dụng không còn phù hợp. Sản phẩm làm ra cứ chất đầy sân, đầy nhà. “Rồi không trụ được, cả xí nghiệp và hợp tác xã cứ tan rã dần, làng không còn sống bằng nghề này nữa và chuyển dần sang nghề mới là làm mỳ gạo và nấu rượu từ sắn. Vì thế mà nhiều công nhân đã bỏ Xí nghiệp gốm để về làm hàng. Đến nay chỉ còn Hợp tác xã là còn duy trì hoạt động nhưng cũng trong tình trạng thoi thóp”.
Bác Trịnh Đắc Tân, chủ nhiệm Hợp tác xã, người duy nhất còn tâm huyết với nghề truyền thống của địa phương cho biết, Xí nghiệp gốm Thổ Hà trước đó đã bị giải thể vì trình độ năng lực sản xuất yếu kém, cơ chế quan liêu bao cấp, sản xuất theo quy định, năng lực quản lý còn yếu, không theo kịp thị trường nên không đảm bảo cho đời sống của các xã viên. Thêm vào đó, cơ cấu lao động thay đổi, nhiều công đoạn, kĩ thuật khó, thu hồi vồn lâu khiến dân và xã viên không còn thiết tha với nghề. Năm 2005, đứng trước nguy cơ thất truyền của nghề gốm ông cha gây dựng biết bao đời, bác Tân mạnh dạn đứng ra xin giấy phép của chính quyền địa phương để mở Hợp tác xã “nhưng vốn thì thiếu quá , nhà xưởng chật hẹp, chuyên gia trong nghề ít, mà thị trường gốm Thổ Hà bị gián đoạn nhiều năm nên phải xây dựng thị trường lại từ đầu rất khó khăn”.
Được hỏi về sự hoạt động và phát triển của Hợp tác xã, bác Tân chỉ cười xoà “đạt được hiệu quả kỹ thuật và cách làm, nhưng hiệu quả kinh tế thì còn khó lắm, chủ yếu sản xuất đồ gia dụng thôi, đồ gốm sành Thổ Hà thì bền và tốt nhưng sản xuất thì mất công hơn những loại gốm khác nhiều. Nếu những loại gốm khác chỉ phải nung 1 ngày thì gốm Thổ Hà phải cần 5 ngày, mà một lò nung đạt 50% sản phẩm loại I là tốt lắm rồi. Một lò trung bình cũng chỉ được 200 sản phẩm, mỗi tháng chỉ nung có 2 mẻ, mà còn tuỳ thuộc vào đơn đặt hàng”.

Bác Tân tâm sự mà gương mặt trầm ngâm, canh cánh nỗi lo nghề bị thất truyền. Mặc dù chính quyền xã tạo điều kiện, đào tạo nghề cho 30 học sinh trong làng, nhưng để duy trì và khiến các em gắn bó với nghề đã là một điều khó chứ không nói gì chiêu mộ được thêm. Chủ trương quy mô cơ sở đốt lò riêng được đưa ra từ năm 2007 đến nay vẫn chưa thực hiện được nên quy mô hợp tác xã vẫn chỉ gói gọn trong mảnh đất trên dưới 100m2.
Cùng một xuất phát điểm, thế nhưng làng gốm Bát Tràng và Phù Lãng ngày càng vững mạnh, giàu có. Kịp thời bắt nhịp cùng với những bước phát triển của xã hội và thị yếu người tiêu dùng, hoàn thiện cả về chất lượng và mẫu mã, sáng tạo những vật phẩm mới, có giá trị thẩm mỹ cao kết hợp với kĩ thuật hiện đại và tay nghề chuyên môn của nhiều thế hệ truyền đời... Vì thế sản phẩm gốm của Bát Tràng và Phù Lãng không chỉ phục vụ hàng gia dụng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Kinh tế địa phương giàu mạnh lên không chỉ do buôn bán đồ gốm mà còn có nguồn thu không nhỏ từ yêu tố du lịch nhờ các chuyến thăm quan làng nghề của khách thập phương mang lại. Trong khi làng nghề gốm Thổ Hà tiếng tăm một thời là thế mà giờ đây tụt hậu, không theo kịp thời đại, quả là một điều đáng tiếc!
Thiết nghĩ, chính quyền xã, huyện và tỉnh cần có sự quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát triển làng gốm Thổ Hà. Bên cạnh đó, người làng gốm cũng cần phải cập nhật thường xuyên kĩ thuật, trang thiết bị, đặc biệt là tiếp cận nhu cầu người tiêu dùng để đề ra hướng kinh doanh và phát triển gốm làng nghề cho phù hợp. Có như vậy mới hy vọng các thế hệ sau tiếp tục giữ nghề và Thổ Hà mới sánh vai cùng Bát Tràng, Phù Lãng.
Uyên Linh