
Dương Cốc thuộc xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội vốn là một thôn thuần nông vùng chiêm trũng. Tuy kinh tế chưa dư dật, nhưng người dân Dương Cốc có tâm hồn đam mê văn hóa nghệ thuật. Thôn đã thành lập Đội văn nghệ, đặc biệt trong đó có môn nghệ thuật tuồng.
Hoạt động của đội chủ yếu bằng tinh thần, nhiệt tình và lòng say mê nghệ thuật. Các đội viên không đòi hỏi gì. Sáng sáng ra đồng làm ruộng, tối đến tập trung trên sân đình làng, cùng nhau tập luyện. Khi đạt yêu cầu rồi, xã, huyện, tỉnh có yêu cầu, đội tuồng sẵn sàng phục vụ.
Năm 1967, Đoàn tuồng Quân khu 5 (hiện là Nhà hát tuồng Đào Tấn - Bình Định) về sơ tán tại Dương Cốc, nhiệt tình hướng dẫn những đường nét cơ bản trong kỹ năng múa, hát, biểu diễn. Mặc dù chỉ là một đội nghiệp dư vào đầu thập kỷ 70, Đội tuồng Dương Dốc đã ra mắt trình diễn một loạt vở: “Nắng soi dòng suối Băng Pơi” dự diễn năm 1972; “Trần Bình Trọng” năm 1974; “Chị Ngộ” năm 1975; “Trần Quốc Toản” năm 1978… thành công, được nhiều đoàn chuyên nghiệp trân trọng, khen ngợi.
Sang thập kỷ 80, Đội tuồng Dương Cốc lại được đi dự trình diễn các vở: “Cô gái sông Tích” năm 1981; “Nỗi lòng cây lúa” năm 1983; “Nghĩa quân Sơn Lộ” năm 1984… đạt huy chương vàng. Đáng kể đến là các vở tuồng được dựng trong những năm chống Mỹ, cứu nước.
Phong trào nghệ thuật tuồng đang lên thì cơ chế kinh tế thị trường phát triển, nghệ thuật tuồng gặp không ít khó khăn về sân khấu diễn. Chẳng riêng gì Đội tuồng Dương Cốc mà cả sân khấu tuồng trong cả nước đang dần bị lãng quên. Bây giờ, lớp trẻ chưa hiểu sâu về những tinh hoa nghệ thuật tuồng truyền thống từ ông cha ta truyền lại.
Chúng tôi được ông Nguyễn Quang Phan-trưởng thôn và ông Nguyễn Đình Lý-phụ trách văn hóa của thôn Dương Cốc cho biết: Đội tuồng vẫn hoạt động bình thường đến nay qua 3 thế hệ nối tiếp nhau. Lớp diễn viên đầu tiên của đội tuồng hiện chỉ còn 3 người, đều đã qua tuổi “cổ lai hy” là người hướng dẫn lại nghệ thuật. Đảng ủy, chính quyền các đoàn thể và nhân dân Dương Cốc, xã Đồng Quang rất quan tâm tới đội tuồng. Đội tuồng Dương Cốc đi dự Liên hoan Sân khấu không chuyên do Hà Nội tổ chức vào tháng 4-1998 tại Đông Anh, đạt thành tích cao.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận rằng, trong sự mai một chung của sân khấu tuồng Việt Nam, tuồng Dương Cốc cũng không tránh khỏi. Nguyện vọng của chúng tôi là đề nghị hằng năm cấp trên tổ chức những hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cấp cơ sở trở lên. Bởi vì muốn hoạt động, đội tuồng cần phải có nơi diễn.
Đội tuồng Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đã có một bề dày hoạt động, đạt nhiều thành tích đáng kể bởi quê hương yêu mến và nuôi dưỡng. Được Hợp tác xã Nông nghiệp chăm lo vật chất, mua sắm trang phục, phương tiện dẫu chưa nhiều nhưng đó là nguồn động viên khích lệ các diễn viên để được như hôm nay- đội tuồng không vắng bóng trên các sân khấu trình diễn. Đội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Huy chương vàng; 3 huy chương vàng và 4 huy chương bạc cho các vai diễn xuất sắc. Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng giải thưởng Dàn nhạc xuất sắc hội diễn cho dàn nhạc của đội tuồng.
Uyên Linh