Phố giữa khu dân cư mới Hoài Thanh

Phố Hoài Thanh dài 320m, rộng 13,5m. Một đầu nối với phố Nguyễn Cơ Thạch, một đầu giáp với phố mang tên danh họa Trần Văn Cẩn. Phố đi qua trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ Thuật Phan Chu Trinh

  Phố Hoài Thanh

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh (1909 - 1982) từ lâu đã được các học giả và nhiều nhà nghiên cứu coi là một tài năng suất sắc hiếm có trong lĩnh vực phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX, một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Tháng 7/2010 vừa qua, tên ông đã được đặt cho một con phố trong khu đô thị mới Mỹ Đình II, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Phố nằm trong khu dân cư mới, đường xá đẹp đẽ, phong quang, hai bên vỉa hè có trồng những hàng cột điện cao áp thủy ngân thẳng tắp. Cũng như những con phố mới bên cạnh mang tên các danh nhân như: Bùi Xuân Phái, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Cẩn, Cao Xuân Huy… phố Hoài Thanh được phủ một mầu xanh mát của cây và sắc màu rực rỡ của các loài hoa. Khác với những con phố nơi trung tâm đô thị ồn ào và náo nhiệt, những con phố nơi đây đều mang trong mình vẻ tĩnh tại và bình yên. Không có hàng quán xô bồ, không có cảnh xe cộ chạy rầm rập suốt ngày đêm, phố chỉ rộn ràng vào các buổi sớm mai và chiều muộn, đó là đầu giờ sáng khi trẻ đến trường, bố mẹ đến công sở và giờ chiều trẻ tan học, các gia đình vội vã trở về tổ ấm.

Hoài Thanh (tên thật là Nguyễn Đức Nguyên) quê xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia Tân Việt cách mạng Đảng từ cuối năm 1926, viết báo từ năm 1930. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Hoài Thanh tích cực tham gia kháng chiến. Từ năm 1950, ông là giám đốc Vụ Văn học nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật và giảng dạy tại khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, là Viện phó Viện Văn học và Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ, Tổng thư ký Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, đại biểu Quốc hội khóa II.

Hoài Thanh là một nhà phê bình văn học uyên bác và tinh tế, đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền phê bình văn học nước nhà, nhất là trong lĩnh vực phê bình thơ. Những người yêu mến văn chương biết đến ông nhiều qua cuốn “Thi nhân Việt Nam” hoàn thành năm 1941, viết cùng Hoài Chân. Đây là một cuốn sách phê bình mang tính nghệ thuật ấn tượng, là công trình tổng kết mười năm phong trào Thơ Mới (1932-1941) với những lời bình tài hoa về hơn 100 bài thơ của 46 tác giả được lựa chọn trong hàng vạn bài thơ của khoảng bốn ngàn người. Hoài Thanh đã có những đúc kết mang tính kinh điển về các tác giả trong phong trào Thơ Mới như “… hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên …và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”.

Hơn 50 năm gắn bó với văn chương, ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm phê bình văn học có ý nghĩa như: Văn chương và hành động (1936), Thi nhân Việt Nam (1941), Có một nền văn hóa Việt Nam (1946), Nam Bộ mến yêu (1955)… cùng nhiều tác phẩm, bài báo có giá trị khác.

Để ghi nhận công lao đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà, năm 2000, Nhà nước đã truy tặng ông giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm tác phẩm: “Phê bình và tiểu luận” (3 tập), “Nói chuyện thơ kháng chiến” và “Thi nhân Việt Nam”.

Duy Long

Đăng lúc: 23/01/2011 13:43

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối