Xem người Brâu mừng nhà mới

Ngay từ sáng sớm ngày 19.4, tại khu vực làng Brâu - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, hàng ngàn người dân vùng lân cận đã có mặt để được chứng kiến lễ mừng nhà mới của người Brâu.

Tại vị trí trung tâm nơi diễn ra lễ, cây nêu (thường được làm từ chất liệu sẵn có từ đại ngàn Tây Nguyên như cây lồ ô, mây tre) được dựng lên tại vị trí trung tâm, người Brâu trang trí nhiều họa tiết hoa văn đặc trưng cho văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc sống ở vùng Trường Sơn- Tây Nguyên lên cây nêu.

Đúng rồi, đây là ngôi nhà của dân tộc mình! Lễ mừng nhà mới là sự thừa nhận đây chính là ngôi nhà của dân tộc mình. (Già làng Thao Lăng)

Giờ khai hội đến, dân làng bước ra từ ngôi nhà truyền thống, còn thanh niên lĩnh nhiệm vụ đánh trống và cồng, chiêng, đầu chít khăn, mặc áo lễ Blan, áo ló chui đầu không có tay, thêu hoa văn sặc sỡ hai bên vạt áo, đóng khố hoa (Kteh), các thiếu nữ thì uyển chuyển trong những điệu xoang, đám đông từ già trẻ, gái trai xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống cũng tụ tập đầy đủ, trò chuyện rôm rả.

Chủ trì là già làng (hay còn gọi là Riu Yang) Thao Lăng, đứng nghiêm trang bên cây nêu, xung quanh là nam thanh nữ tú, cùng đội cồng chiêng. Khi mọi công việc đã chuẩn bị xong, lúc này tiếng cồng, chiêng tạm thời lắng xuống nhường lời cho vị già làng: “Cầu xin thần trời- thần nước- thần núi- thần sông suối hãy đến đây chứng kiến ngày hội của dân làng. Cầu xin các thần linh thiêng hãy phù hộ cho dân làng trồng được nhiều lúa, nuôi được nhiều trâu bò, lợn gà, người người khoẻ mạnh”.

Sau khi già làng khấn xong, tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng lại nổi lên với nhịp độ nhanh hơn, thúc giục thanh niên nam nữ cùng vào nhảy múa theo điệu nhạc. Âm thanh sôi động, những vũ điệu uyển chuyển khiến cho buổi lễ thêm phần sôi động. Đây chính cao trào của buổi lễ, tiếng cồng chiêng ngân vang hơn theo cây nêu bay vút lên không trung tạo nên niềm tin mùa bội thu.

S’Râu, thành viên trong đoàn cho biết, đây là lần đầu tiên ra Hà Nội, được sống trong không gian thân thuộc, thấy vui lắm, nhất là được giao lưu với các dân tộc anh em trong dịp lễ tôn vinh Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam. “Đoàn chúng tôi ra đây đã hơn một tuần, ngay từ ngày đầu tiên chẳng cần phân công mọi người tự ý thức được công việc như ở nhà; người thì dọn dẹp nhà cửa, người thì sửa mấy cái bậc lên xuống quanh nhà, người thì đi lấy nước về nấu những món ăn truyền thống, S’Râu cho biết.

Già làng Thao Lăng chia sẻ: Niềm vui lớn nhất của toàn thể 25 thành viên trong đoàn đến từ làng Đắc Mê, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum khi về Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là thấy không gian sống nơi đây rất giống và gần gũi với quê mình. Chỉ vào ngôi nhà mới, già vui vẻ cho biết: “Đúng rồi, đây là ngôi nhà của dân tộc mình! Lễ mừng nhà mới là sự thừa nhận đây chính là ngôi nhà của dân tộc mình”.

Trần Huấn

Đăng lúc: 20/04/2011 10:56

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối