
Nguyễn Trọng Hợp sinh năm Giáp Ngọ (1834), dòng dõi đại thần đời Hậu Lê là Nguyễn Công Thái, thân phụ của ông là cử nhân Nguyễn Cư quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Ông sống từ nhỏ ở quê hương, lớn lên đi học tại Hà Nội, là học trò của tiến sĩ Vũ Tông Phan (1804 - 1862) và tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795-1868) - nhà giáo nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Nguyễn Trọng Hợp thi đỗ Cử nhân tại trường Hà Nội, khoa Mậu Ngọ (1858) Tự Đức thứ 11. Sau đó ông đỗ Tiến sĩ khóa Ất Mùi (1865), làm quan dưới bảy đời vua từ Tự Đức đến Thành Thái, với chức từ tri phủ đến chức kinh lược Bắc Kỳ (1886), Thượng thư bộ Lại (1887), Tổng tài Quốc sử quán, Đại thần Cơ Mật viện, Văn Minh Đại học sĩ, Phụ chánh vua Thành Thái (1889-1897). Nguyễn Trọng Hợp là một trong những đại thần chủ chốt trong việc nghị hòa với người Pháp, khi Pháp xâm lược Việt Nam.
Ông là con của Nguyễn Cư (1798-1852), đỗ Cử nhân năm Tân Mão (1831) làm quan đến chức Ngự sử. Nguyễn Trọng Hợp là cháu bốn đời của Nguyễn Công Thái (1684-1758), đỗ tiến sĩ khoa Ất Vị (1715), làm quan đến chức Tể tướng (năm lần).
Nguyễn Trọng Hợp là học trò của cụ Đông Tác Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý. Sau khi đỗ cử nhân (1858) Nguyễn Trọng Hợp được Tùng Thiện Vương, một ông hoàng con của vua Minh Mạng, đem về nuôi dạy trong nhà cho đến khi đi làm quan.
Năm 1865, sau khi đỗ tiến sĩ, Nguyễn Trọng Hợp làm Tri phủ Xuân Trường rồi Phủ doãn Thừa Thiên. Năm 1873 khi Francis Garnier vừa chiếm đóng thành Hà Nội, ông được vua Tự Đức phái ra Bắc để cùng Trần Đình Túc và Bùi Ân Niên lo việc chiêu tập quân dân để đối phó với quân đội chiếm đóng. Lúc quân Pháp đánh chiếm Hưng Yên, Nam Định và mấy tỉnh khác vua sai Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp đi bàn hội với Pháp ở Hà Nội. Trong khi đang thương thuyết thì Francis Garnier bỏ ra ngoài thành đi đánh nhau với quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc rồi bị giết ở Cầu Giấy. Garnier chết, quân tướng Pháp mất hết nhuệ khí, nhưng bề ngoài vẫn muốn giữ thể diện, nên đã bầu ra một viên quan hai lo việc đàm phán. Trần Đình Túc cho là người Pháp thôi tranh chiếm, sợ mất hòa khí, liền sai Nguyễn Trọng Hợp và Trương Gia Hội đến nơi quân thứ yêu cầu Hoàng Tá Viêm và Tôn Thất Thuyết án binh bất động và rút cánh quân của Lưu Vĩnh Phúc về vùng biên giới.
Sau Hòa ước Giáp Tuất (1874) Nguyễn Trọng Hợp được bổ nhiệm làm Tổng đốc Định -Yên (tức Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên ngày nay). Theo Đại Nam thực lục thì ngay từ tháng chạp năm Quý Dậu (tức đầu năm 1874), Nguyễn Trọng Hợp đang giữ chức Tuần phủ Hà Nội, cùng Trần Đình Túc đang là Tổng đốc Định-Yên, đổi chức cho nhau để Trọng Hợp về Định-Yên, còn Đình Túc về Hà-Ninh. Trong bảy năm trời ông giữ chức vụ với một cách nghiêm nghị và công bằng đối với dân chẳng hạn như: giảm thuế, cho dân quê được giải ngũ để về làm ruộng. Ông phản đối chuyện giao cho các "công ty" độc quyền thu thuế v.v...
Trong mấy năm ấy Nguyễn Trọng Hợp lên rất nhiều sớ xin mở rộng thông thương buôn bán, học hỏi khoa học kỹ thuật của nước ngoài, gửi sứ bộ đến các nước ngoài và đặt lãnh sự trong Việt Nam.
Năm 1881, Nguyễn Trọng Hợp được vào kinh giữ chức Tham tri bộ Lại, rồi Thượng thư bộ Lại và Thương bạc đại thần. Trong khi ấy chính quyền nước Pháp, dưới thời các thủ tướng Jules Ferry và Léon Gambetta, nhấn mạnh chính sách đô hộ, và trong đó đánh chiếm Việt Nam là một mục tiêu rõ rệt. Cho nên Henri Rivière với 500 quân lính đánh chiếm thành Hà Nội ngày 25 tháng 4 năm 1882, rồi mỏ Hồng Gai tỉnh Quảng Yên, thành Nam Định (27 tháng 3 năm 1883). Sau khi Henri Rivière bị giết, quân Pháp ùa sang Việt Nam với 4.000 lính và bắt đầu tấn công cửa biển Thuận An (18 tháng 8 năm 1883). Bên triều đình Huế lại lúng túng vì vua Tự Đức mới mất (19 tháng 7 năm 1883). Vua Hiệp Hòa vừa lên ngôi liền vội cử Nguyễn Trọng Hợp sang thương thuyết vào ngày 20 tháng 8 năm 1883 nhưng bấy giờ đã quá trễ vì quân Pháp đã đổ bộ lên bờ. Ngày 22 tháng 8, Harmand đưa ra bản hiệp ước và đe dọa tiếp tục gây hấn. Nguyễn Trọng Hợp cùng Chánh sứ Trần Đình Túc bất lực, không làm gì được hơn là thêm bốn chữ "kể cả Trung Quốc" nên đành phải ký hiệp ước Quý Mùi (25 tháng 8 năm 1883). Hiệp ước này thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, đồng thời chấp nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chính thức chấm dứt nền độc lập của Việt Nam. Ký xong, vua Hiệp Hoà lại cử Khâm sai Nguyễn Trọng Hợp ra Bắc vì ở vùng này quân Pháp và quân Thanh vẫn còn giao chiến. Nguyễn Trọng Hợp xin vua triệu Hoàng Tá Viêm, đang kháng cự quân Pháp ở vùng Sơn - Hưng - Tuyên, về kinh và khéo léo để Pháp tự lo liệu với quân nhà Thanh, theo như bốn chữ đã nói trên. Lịch sử Pháp cho ta biết rằng, 16 tháng sau (tháng 3-1885) cuộc thất bại của quân đội Pháp ở Lạng Sơn (cũng vì bốn chữ ấy) lật đổ chính phủ Jules Ferry và làm xáo trộn đường lối chính trị nước Pháp đến mức mà nhà sử học Pháp Charles Fourniau viết (tạm dịch): "Ta có thể nói rằng cái chính trị của Cộng hòa đệ Tam Pháp mất tiêu ở Lạng Sơn giống như cái chết của Cộng hòa đệ Tứ ở Điện Biên Phủ?".
Lúc vua Hiệp Hòa mất (23-11-1883) Nguyễn Trọng Hợp còn ở ngoài Bắc. Sau khi vua Kiến Phúc lên ngôi (2-12-1883), Nguyễn Trọng Hợp về kinh đem việc thương thuyết không kết quả xin giải chức đợi tội. Tháng 2 năm 1884 ông về Thanh Hóa hạ chức xuống Sơn phòng phó sứ cho đến tháng 8 năm 1884. Sau đó ông làm Tổng đốc Sơn - Hưng cho đến tháng 4 năm 1886. Cùng lúc ấy Hiệp ước Patenôtre (6-6-1884) được ký, và một tháng sau vua Kiến Phúc mất (31-7-1884), vua Hàm Nghi lên ngôi (2-8-1884). Nguyễn Trọng Hợp không có mặt ở kinh thành lúc cuộc tấn công sứ quán Pháp thất bại (5-7-1885). Sau đó phong trào Cần Vương nổi lên. Khi Đồng Khánh lên ngôi (19-9-1885) vua gọi Nguyễn Hữu Độ về kinh và đưa Nguyễn Trọng Hợp lên thay Nguyễn Hữu Độ với chức Kinh lược Bắc Kỳ.
Thời gian này, phong trào Cần Vương kháng Pháp, vốn do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng, vẫn còn nổ ra ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Tại vùng Bãi Sậy khi đó thuộc Hải Dương, quan Tán tương quân vụ là Nguyễn Thiện Thuật và Đề đốc Tạ Hiện còn kháng cự người Pháp quyết liệt. Nguyễn Trọng Hợp, lấy danh nghĩa là quyền kinh lược sứ Bắc Kỳ, đã sai quyền Tổng đốc Hải Dương là Hoàng Cao Khải làm chức Tiểu phủ sứ đi đánh dẹp Khởi nghĩa Bãi Sậy.
Nguyễn Trọng Hợp vẫn giữ chức kinh lược sứ Bắc Kỳ khi Paul Bert thay de Courcy làm Khâm sứ (8-4-1886). Paul Bert là một nhà động vật học, sinh lý học và chính khách có tiếng, một nhân vật trong phe Cộng hòa, với một tư tưởng là phải truyền bá "Ánh sáng Tiến bộ" để lấy lại thể cường quốc của nước Pháp. Ông trước kia giữ chức Bộ trưởng Giáo dục lại rất khâm phục hệ thống giáo dục Nho giáo. Tuy nhiên, do hấp tấp, Paul Bert làm nhiều lầm lỗi, thái độ ông trong những việc xây dựng cảng Hải Phòng, dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn khác hẳn mấy người Khâm sứ trước Nguyễn Trọng Hợp một nhà cải cách thấy đó là một con đưòng mở cửa phát triển kinh tế cho Việt Nam, trong khi ấy vẫn giữ giáo dục của nước mình. Thái độ của Nguyễn Trọng Hợp có thể so sánh với các nhà cải cách Nhật Bản. Ngày 11-11-1886 Paul Bert chết sớm. Đồng thời qua năm sau (1887) vua Đồng Khánh gọi Nguyễn Trọng Hợp về kinh với chức Thượng thư bộ Lại, Tổng tài Quốc sử quán, Đại thần Cơ Mật viện, Văn Minh Đại học sĩ. Nhưng vì chuyện bất đồng không rõ, Nguyễn Trọng Hợp đệ đơn xin về nghỉ. Vua không chấp nhận, Nguyễn Trọng Hợp bèn cáo ốm rồi về quê. Tuy thế ông vẫn tiếp tục làm việc đến lúc Đồng Khánh mất (28-1-1889).
Vua Đồng Khánh mất, triều đình cử Nguyễn Trọng Hợp cùng Trương Quang Đán lên làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái.
Có thể nói, Nguyễn Trọng Hợp ra làm quan vào lúc thực dân Pháp đã chiếm được Nam Kỳ, đang từng bước tiến đánh miền Bắc và đặt ách thống trị lên toàn đất nước ta. Trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách ấy của dân tộc, Nho sĩ trong nước đã phân hoá sâu sắc. Mặc dù Nguyễn Trọng Hợp có những hành động chống Pháp quyết liệt, nhưng ông đã có cái nhìn thực tế hơn và có những hành động thiết thực hơn để cứu vãn tình hình trong thế hoàn toàn bất lợi cho ta khi được cử đi thương thuyết với Pháp năm 1873.
Về kinh tế, ông đề nghị nên mở rộng thông thương trong nước, nhất là ở mạn ngược (trong mật tấu ngày 10-7, năm Tự Đức 32). Học hỏi kỹ thuật phương Tây (Mật sớ, Tự Đức thứ 27), đắp đê, đóng thuyền, mua thóc tích trữ lúc được mùa giá rẻ.... Về ngoại giao, ông đề nghị mở rộng quan hệ với nước ngoài, gửi sứ bộ đi các nước (Sớ, Tự Đức thứ 34). Về văn hoá, ông rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, chấn chỉnh nho phong, biên chép sử sách, gia phả. Khi làm quan Kinh lược sứ Bắc kỳ, ông đã có công xin Triều đình cho được khắc in bộ Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ là bộ sách có quy mô thuộc loại đồ sộ nhất và cũng là bộ hội điển lớn nhất trong kho tàng thư tịch cổ viết bằng chữ Hán của nước ta, gồm 262 quyển, khổ 323x20, khoảng 8000 tờ, đóng thành 97 cuốn.
Đại thần Nguyễn Trọng Hợp có nhân cách, học rộng, giỏi thơ văn, viết sử giỏi, biết lãnh đạo chính quyền, có tài ngoại giao, thương dân, xứng đáng là một danh nhân văn hoá Việt Nam.
Thanh Loan (tổng hợp)