Thăng Long 215 năm thời Lý

Từ một mảnh đất vốn là trị sở của các viên quan đô hộ nhà Đường, với cái tên Đại La (vừa là tên của vòng thành ngoài do Cao Biền đắp, vừa là tên của thành thị này) đã hóa thân thành kinh đô "Rồng Bay". Thăng Long mở đầu triều Lý như một chàng trai vừa đến tuổi trưởng thành, tự tin mạnh mẽ và hùng tráng.

Ở vào thế "rồng cuộn, hổ ngồi", "chính giữa nam, bắc, đông, tây", Thăng Long đã hội tụ mọi tinh hoa văn hóa của đất nước đương thời.

Thăng Long là trung tâm Phật giáo Thiền tông. Tại đây hai Thiền phái ra đời từ trước là Tì-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông tiếp tục phát triển hưng thịnh. Và cũng tại đây, chứng kiến sự sáng tạo một thiền phái mới: Thiền Thảo Đường của Lý Thánh Tông.

Nhiều chùa tháp đẹp đẽ và có quy mô lớn được xây cất, dựng lên tại những khu vực linh thiêng của kinh thành: bên hồ Lục Thủy (Hồ Gươm) và hồ Dâm Đàm (Hồ Tây)...

Thăng Long là trung tâm văn hóa-giáo dục của quốc gia Đại Việt bấy giờ. Khu đền thiêng văn hóa lớn của dân tộc: Khu Văn Miếu - Quốc tử giám được khởi công xây dựng và ngày một nâng cấp. Nơi đây tụ hội văn mạch, văn phong của đất nước. Nơi đào tạo nhân tài và các bậc anh tuấn cho mọi miền của Tổ quốc.

Và, cũng bắt đầu từ đời Lý trở đi, dần dần hình thành nên nho phong sĩ khí Thăng Long. Những con người tài hoa mà tinh tế, suốt đời lao vào con đường truy tìm cái đẹp của văn hóa, nghệ thuật mà ít chú ý tới đời sống vật chất.

Họ cũng ít chú ý đến địa vị xã hội mà lấy "thư hoa chân ái" (sách và hoa là niềm say mê đích thực) làm lẽ sống. Ấy là nói về cái chất "văn" trong mỗi con người Thăng Long. Nhưng bên cạnh đó, từ đời Lý, lại cũng hình thành chất "trọng võ" của người dân nơi đây, mà danh tướng Lý Thường kiệt là một biểu tượng. Cái con người một tay vung kiếm sắc, một tay nâng bài thơ Nam quốc sơn hà... lên đọc ấy, đã truyền một luồng chính khí cho lớp lớp trai trẻ kinh đô Thăng Long - Hà Nội mỗi khi nước nhà có giặc ngoại xâm...

Người Thăng Long, hay văn thơ, trong võ nghệ và cũng đặc biệt yêu hoa. Thăng Long ngoài một trại - trại hoa Ngọc Hà - chuyên trồng hoa, còn có nhiều khu đất trồng hoa khác để làm đẹp cho kinh kỳ (Nghi Tàm, Yên Phụ...).Nên muốn ví von, ca dao cổ lấy hoa để so sánh với người Thăng Long.

Chính vì thế, người Thăng Long mới lưu giữ câu chuyện tình đẹp: vua Lê Thánh Tông yêu cô thôn nữ đứng tựa cây lan, sau đó cưới nàng làm vợ, và đặt cho cái tên thật giầu hình tượng: Ỷ Lan. Với người Thăng Long mọi thứ đều gắn với hoa: Bông Hoa Sen (Chùa Một Cột) nở trên hồ Linh Chiểu...

Nhưng Thăng Long đời Lý không chỉ có cuộc sống thanh bình, như hai mặt âm dương của cuộc đời - Thăng Long còn phải chứng kiến nhiều vụ tranh quyền, đoạt vị, đấu tranh chém giết nhau trong triều đình và cả ngoài xã hội...

Người dân Thăng Long từng phải sống trong tâm trạng bất bình và bất an khi Tam vương nổi loạn vào cuối thời Lý Thái Tổ. Và sự lộng quyền của tên gian thần Đỗ Anh Vũ thời Lý Anh Tông... Đấy là những bài học phản diện, những vết đen thoáng qua đi, trên gương mặt sáng ngời của lịch sử Thăng Long dưới thời Lý.

Thăng Long đời Lý cơ bản là đẹp và yên bình tựa như mặt nước hồ Lục Thủy - Hồ Gươm, hồ Dâm Đàm - Hồ Tây, nơi lắng hồn sông núi mấy nghìn năm...

Xuân Bách

Đăng lúc: 22/05/2011 14:50

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối