 |
Sơ đồ Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh: Tư Liệu) |
Mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ cho xây dựng một cụm kiến trúc trung tâm hoàng thành gồm tám điện, ba cung khá bề thế. Đại Việt sứ ký toàn thư chép: “Xây dựng các cung điện trong kinh thành Thăng Long, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện
Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, hướng chính nam dựng điện Cao Minh, đều có thềm rồng, trong thềm có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa, Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ...” (Toàn thư, Sđd, tập I, tr. 241). Khu vực lâu đài cung điện đó còn nhiều lần được sửa chữa, xây dựng thêm, lớn nhất vào hai năm 1029 và 1203. Trong lần tu bổ năm 1029, điện Càn Nguyên được đổi tên là điện Thiên An và một loạt kiến trúc mới được xây dựng: “Bên tả dựng điện Tuyên Đức, bên hữu dựng điện Diên Phúc, thềm trước điện gọi là Long Trì (thềm rồng). Phía đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía tây đặt điện Quảng Vũ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Bốn xung quanh thềm rồng đều có hành lang để tụ họp các quan và sáu quân túc vệ. Phía trước làm điện Phụng Thiên (Cương mục chép là Phụng Tiên - TG), trên điện dựng lầu Chính Dương làm nơi trông coi tính toán giờ khắc, phía sau làm điện Trường Xuân, trên dựng gác Long Đồ làm nơi nghỉ ngơi du ngoạn. Bên ngoài đắp một lầu thành bao quanh gọi là Long Thành” (Toàn thư, Sđd, tập I, tr. 254).
 |
Lan can bằng đá thời Lý tìm thấy vườn Bách Thảo (Ảnh: tư liệu) |
Khu cung điện của nhà vua và triều đình là nội điện. Bao quanh khu vực này có một vòng thành bảo vệ nghiêm ngặt là Long Thành (Cái tên Cấm Thành thấy xuất hiện trong sử Toàn thư vào các năm 1028, 1209, 1212...). Phía ngoài có vòng thành thứ hai gọi là Hoàng thành hay thành Thăng Long. Thành đắp bằng đất, phía ngoài đào hào, mở bốn cửa Tường Phù (Cửa Đông), Quảng Phúc (Cửa Tây), Đại Hưng (Cửa Nam), Diệu Đức (Cửa Bắc). Mười vệ điện tiền cấm quân làm nhiệm vụ thường xuyên canh phòng và bảo vệ bên trong Long Thành.
 |
Toàn cảnh khu khai quật Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh: tư liệu) |
Về thành Thăng Long đời Lý chính xác là ở vào khu vực nào hiện nay thì chưa có đáp số. Chỉ có những giả thuyết. Chúng tôi nghiêng về giả thuyết cho rằng thành nhà Lý phát triển trên cơ sở thành Đại La thời Bắc thuộc và sau các triều Trần, Lê đều giữ để sử dụng, chỉ đôi ba lần đắp rộng ra ở một vài chỗ và bên trong thành thì có xây thêm các cung điện. Đời Lê trung hưng, Mạc và Tây Sơn đều giữ nguyên, chỉ tới năm Gia Long thứ 4 (1805) toàn bộ tường thành mới bị phá trụi để xây lại theo kiểu mới.
 |
Nắp hộp men xanh lục, thời Lý di tích Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh: tư liệu) |
Năm 2003 Viện Khảo cổ học đã đào 18 ngàn mét vuông sâu tới 4 mét ở bên phía tây bắc đường Hoàng Diệu, phát hiện trên 4 triệu hiện vật gồm gạch, ngói, đồ gốm sứ ngự dụng và dân dụng, vũ khí... Ngoài ra phát hiện nền một công trình dài 62 mét, rộng 27 mét có người cho là nền của một cung điện lớn vào bậc nhất đời Lê, song cũng có người cho là nền của... kho thóc đời Nguyễn Minh Mạng. Lại phát hiện 13 cái giếng mà có người phân loại: 2 thời Bắc thuộc, 2 thời Lý, 2 thời Trần, 5 thời Lê và 2 thời đầu nhà Nguyễn.
Tóm lại, việc nghiên cứu đang vẫn tiến hành, chưa đi đến kết luận.
Đấy là khu vực Thành giữ vai trò đầu não của Nhà nước trung ương tập quyền, trung tâm chính trị của cả nước. Phía ngoài tòa thành này là khu Thị bao gồm những xóm làng nông nghiệp, những phố phường công-thương nghiệp và một hệ thống bến-chợ của kinh thành. Một vòng thành thứ ba bao bọc toàn bộ khu vực Thành và Thị, gọi là thành Đại La, hay La Thành, Thăng Long ngoại thành. Vòng thành này được đắp bằng đất với chức năng vừa là thành bảo vệ, vừa là đê ngăn ngừa lũ lụt. Nhà Lý đã nhiều lần sửa chữa, tu bổ thành Đại La trên cơ sở tận dụng thành Đại La cũ và địa thế tự nhiên của đất Thăng Long.
Thành Đại La bao bọc kinh thành, từ đời Lý đã có địa giới ổn định, quy mô lớn và cho đến cuối thế kỷ XIX, không thay đổi là bao. Mặt đông, thành chạy dọc theo hữu ngạn sông Nhị Hà (sông Hồng) như một đoạn đê của sông Hồng (từ chân cầu Long Biên cho đến Ô Đống Mác ngày nay), mặt bắc dựa theo sông Tô Lịch ở phía nam Hồ Tây, cho đến Yên Thái, mặt tây theo tả ngạn sông Tô Lịch, từ Yên Thái đến Ô Cầu Giấy và mặt nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền nối với đê sông Nhị Hà. Như vậy, thành Đại La được giới hạn bằng ba con sông: sông Nhị Hà, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Trong quy hoạch tự nhiên của nó, thành cũng là đê và sông cũng là hào. Năm 1165, vua Lý Anh Tông ”xuống chiếu dời Đại La thành ở cửa Triều Đông lùi vào 75 thước (khoảng 30 m), xây bằng gạch đá, để tránh nước sông vỗ lở” (Việt sử lược Nxb Văn Sử Địa, H. 1960, tr. 149).
Thành Đại La cũng mở nhiều cửa ra vào gọi là cửa thành, có quân lính tuần tra canh gác, trong đó sử cũ còn ghi lại: cửa Triều Đông (dốc Hòe Nhai), cửa Tây Dương (Cầu Giấy), cửa Trường Quảng (Ô Chợ Dừa), cửa Nam (Ô Cầu Dền), cửa Vạn Xuân (Ô Đống Mác).
Thăng Long với kiến trúc ba vòng thành bao bọc và kết cấu trong thành ngoài thị, đã sớmđược hoạch định. Từ một trung tâm chính trị, Thăng Long đã phát triển thành một thành thị. Thành thị ấy có thừa hưởng một số thành quả xây dựng trước đó, nhưng về cơ bản được quy hoạch, cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn từ đời Lý với tư cách kin thành của nước Đại Việt độc lập, thống nhất và phồn vinh thời bấy giờ.
Theo Lịch sử Thăng Long Hà Nội, Nguyễn Vinh Phúc (cb)- Lê Văn Lan- Nguyễn Minh Tường, NXB Trẻ, TP HCM, 2005