Hội làng An Thái

Ngày nay, sau một thời gian dài không hành lễ, đình An Thái mới được sửa chữa lại, dân làng tổ chức lễ tế xuân với nhiều nét khác.

 Thờ: Vũ Phục Chiêu ứng đại vương và Thuận Chính phu nhân

Địa điểm: Làng Yên Thái, phường Bưởi, quận Tây Hồ

Thời gian: - Lễ tế xuân: mồng 10 tháng Hai,

- Lễ kỵ: 30 tháng Một

Đặc điểm: - Xôi dẻo, thịt bò thui

- Cơm nếp, gà mái ghẹ luộc

Đình An Thái. Ảnh: Vũ Hưng

 

Lễ tế xuân còn có tên khác là lễ nghênh thần. Lễ tế xuân hàng năm tổ chức tại đình An Thái. Đình này còn có tên là đình thôn Đoài để phân biệt với đình thôn An Thọ, cũng thuộc phường An Thái, tổng Trung, huyện Hoàn Long, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Hai đình An Thái – Đoài và An Thái - Thọ cùng thờ chung vị thành hoàng của làng là vợ chồng ông Dầu bà Dầu, được truy phong là Vũ Phục Chiêu ứng đại vương và Thuận Chính phu nhân.

Theo thần tích lưu truyền tại địa phương, và đã chép trong các sách Lĩnh Nam chích quái, Kiến văn tiểu lục, trong các tộc phả chi họ Vũ Duy, Vũ Đình, Vũ Văn đều thống nhất kể rằng: …Năm Thiên Phù khánh thọ đời Lý Nhân Tông (1127) nhà vua bị đau mắt, chữa mãi không khỏi, vua nghe danh thầy Quỷ Cốc ở trấn Sơn Nam giỏi dịch lý, liền sai người đến hỏi. Thầy bốc được quẻ rằng do nhà vua xây thành Thăng Long, nên nước sông phạm vào cung Kiền Tuất làm cho chân thành bị xói lở, bệnh vua không khỏi. Muốn chữa được bệnh cho vua, thì phải ngăn được dòng nước phạm vào chân thành. Vua Lý nghe lời liền hạ chỉ đắp đê ngăn lũ, nhưng đắp đến đâu lại bị lở đến đấy, của kho trống rỗng, sức người cạn kiệt, nhà vua đành sai quan trung sứ ra bến HồngTân, để cầu mộng. Canh ba đêm ấy, từ dưới sông đi lên một vị thần, mách bảo rằng: - “Hãy về nói với Chúa ngươi rằng muốn ngăn được dòng sông hãy đợi đến ngày ấy, tháng ấy đợi ở bến sông này đón người nào đến bến sớm nhất, quẳng người ấy xuống sông thì bệnh vua sẽ khỏi, mà chân thành cũng được giữ vững”. Sứ thần về tâu lại, vua Lý băn khoăn nói: - “Vì một mình ta mà hại người vô tội thì thật lòng ta không nỡ”. Nhưng quần thần cho rằng đã là lời mách bảo của thần linh thì không thể bỏ qua nên nhà vua đành cho người ra bến sông chờ đợi.

 

Vào thời đó có người họ Vũ tên Phục quê ở Phong Châu - Bạch Hạc về đất Từ Liêm sinh sống, ông kết duyên cùng bà Đỗ thị quê ở Minh Cảo. Hai vợ chồng chuyên đi bán dầu, ngày ngày từ làng Minh Cảo, đi qua bến Hồng Tân vào trong thành bán hàng. Tuy đã cao tuổi, chưa có con nhưng họ vẫn keo sơn gắn bó với nhau.

 

Buổi sớm nàgu 30 tháng Một, sương mù còn giăng kín các nơi, hai vợ chồng đến bến sông sớm nhất thì gặp quân lính chờ sẵn ngăn lại, ông Vũ Phục ngạc nhiên hỏi: Vợ chồng già này vẫn ngày ngày đi qua đây vào thành bán dầu, vậy giữ chúng tôi là phúc hay là hoạ đây? Quân lính không trả lời, cho phi báo về triều, xin nhà vua phán xử. Nhà vua trầm tư suy nghĩ rồi nói: nên đem lời thần trong mộng, nói với người ta, không nên ép buộc. Sứ thần quay lại bến sông, nói với ông bà rằng: - Người ta sinh ra ở đời ai mà không chết, nhưng chết đi mà để tiếng cho đời sau mới là điều đáng quý. Nay mệnh vua, vận nước không yên, nếu ông bà không ham cuộc sống chật hẹp nơi ngõ hẻm, chết vì thánh cung, khiến cho lòng trung nghĩa không bị lu mờ, tiếng thơm còn muôn thuở, há chẳng tốt đẹp lắm sao?

 

Ông Vũ Phục nghe xong, đổi nét mặt nói rằng: “Cái chết thật là đáng sợ, nhưng danh tiếng thật khó mua, ta há lại tiếc cuộc sống đời thường mà quên lòng trung nghĩa hay sao. Nay ta cũng như người xưa, quyết nêu tấm gương trung với vua để báo đền ơn nước”.

 

Bà vợ cũng xin được chết theo chồng để trọn nghĩa vợ chồng. Nhân đấy, sứ giả hỏi bình sinh ông bà thích gì để sau này làm lễ. Ông, bà nói: Mùa xuân ấp áp có ca hát, cỗ cúng chỉ cần có cơm nếp, thịt gà mái ghẹ. Tiệc ngày xuân có xôi dẻo, bò béo. Sứ giả sai thổi cơm nếp, giết gà mái ghẹ cúng trước, mời ông bà ăn. Ăn xong hai người ra bờ sông, ngửa mặt lên trời khấn rằng:

 

- Vợ chồng tôi hy sinh vì nước, lấy cái chết để cứu vua, xin hoàng thiên chứng giám.

 

Rồi cả hai ông bà tự nhảy xuống sông. Từ đấy dòng sông được bình yên, bệnh vua cũng khỏi, chân thành không bị xói lở. Nhớ ơn ông bà, nhà vua sắc phong hai người làm phúc thần, tên hiệu là: Chiêu ứng Phù vận đại vương, Thuận chính Phương dung công chúa.

 

Nhà vua cho tìm thân thuộc của thần, giời đến phường Tích Ma, bên gò Kim Quy để giữ gìn lăng mộ, thờ cúng. Sau này làm ăn thịnh vượng, đổi tên là phường An Thái. Người họ Vũ ở phường này đều là con cháu, thân thuộc của thần.

 

Đình An Thái ở ngã ba đường Thụy Khuê – Lạc Long Quân, ngay cạnh chợ Bưởi.

 

Ngày xưa còn lưu truyền lại câu ca dao:

 

Đầu chợ Bưởi có miếu thờ vua

 

Có đường chính xứ lên chùa Thiên Niên

 

là chỉ những di tích đẹp và quan trọng tại khu vực này.

 

Tại ngã ba chợ Bưởi, trước năm 1985 có một cụm di tích nổi tiếng, đó là Chiêu Ứng vương từ - Lăng Chiêu Ứng và đình An Thái Đoài. Các di tích này đều thờ vợ chồng ông bà Vũ Phục và Thuận Chính phu nhân. Dân gian quen gọi là “ông Dầu bà Dầu”.

 

Năm Thiên Phù khánh thọ đời Lý Nhân Tông, hai ông bà đã tự nguyện nhảy xuống dòng sông Thiên Phù – Tô Lịch để trừ thuỷ hoạ, cứu mệnh vua và giữ an toàn cho thành Thăng Long. Trước khi chết, hai người có dối lại: ngày xuân tổ chức ca hát, thế là ta vui lắm! Từ đó, cứ đến ngày 10 tháng Hai làng An Thái lại tổ chức lễ tế xuân và tổ chức các trò vui để dân làng cùng dự.

 

Lễ tế xuân theo truyền thuyết xưa gọi là ngày “lễ nghênh thần”, do hai làng An Thái, Bái Ân đồng phụng sự nên các vị bô lão đã chia lịch:

 

Năm Tý làng An Thái tổ chức

 

Năm Sửu làng Bái Ân tổ chức

 

cứ như thế thay nhau đăng cai lễ. Hiện nay có 18 đạo sắc phong từ thời Đức Long nhà hậu Lê, đều ghi rõ: An Thái – Bái Ân đồng phụng sự.

 

Tại An Thái: trước ngày tế nghênh thần, các vị bô lão tổ chức rước kim tiên ra đình. Kim tiên là tờ giấy vàng, trên đề dị hiệu của thánh, do cụ tiên chỉ chép từ lòng sắc. Sở dĩ có chuyện này vì theo truyền thuyết, tấm long vị để thờ ở đình đã bị kẻ mục đồng thôn khác lấy mất. Từ đó, làng không khắc long vị nữa, mà giao cụ tiên chỉ hàng năm đến ngày lễ, phải chép dị hiệu của thánh ra giấy kim tiên, rước ra thờ tại đình.

 

Đám rước kim tiên thường tổ chức vào tối ngày mồng 9 tháng Hai với đầy đủ nghi thức trọng thể: cờ, tàn, tán, lọng, trống đồng văn, nhạc bát âm, long đình,và các vị trong hội tư văn, hương sắc. Đám rước đi từ nhà ông tiên chỉ, theo đường chính của làng ra đình. Tới đình các vị bô lão làm lễ phong “triều y”. Đó là cách làm lễ đặt tờ kim tiên vào bài vị: lấy mũ, áo, phẩm phục vị tôn thần được vua ban tặng khoác lên ngai thờ, nay dân gọi là “mặc áo cho thánh”.

 

Sau lễ “phong triều y”, trống cái nổi hồi, các vị làm lễ “quan hèm”. Khi nhảy xuống sông, nhà vua có hỏi nguyện vọng của hai người, bà vợ chỉ yêu cầu ngày lễ cúng cơm nếp – gà mái ghẹ. Từ đó, “cơm nếp – gà mái ghẹ” là quan hèm không thể thiếu trong các ngày lễ, ngày kỵ. Gà mái ghẹ là con gà mái mới lớn, không có dị tật, làm thịt xong để cả con mà luộc, uốn cổ cánh như một con phượng chầu, nước luộc gà dùng nước tinh khiết, để khi vớt gà ra, lấy nước ấy mà thổi cơm nếp (không thổi xôi).

 

Buổi sáng ngày mồng 10 tháng Hai là ngày lễ chính. Các giáp lần lượt khiêng cỗ tế ra đình. Xưa ở An Thái có tám giáp, đó là giáp Nhất, giáp Nhị, giáp Trung Nhất, giáp Trung Nhị, giáp Đông, giáp Đoài, giáp Nam, giáp Bắc. Các tộc họ thường cư trú theo giáp. Khi các giáp đã khiêng cỗ tế vào thì đình làm lễ tế cả. Các quan viên tế đều do nam giới đảm nhiệm. Nghi thức tế có các tuần: sơ tửu, độc chúc, á tửu, chung tửu. Tế xong, cỗ của giáp nào thì rước về giáp ấy và chia lộc theo suất đinh; các cụ cao tuổi được hưởng cỗ chay, các suất đinh được hưởng cỗ mặn.

 

Làng An Thái vốn là làng thủ công nghiệp, đất chật người đông nên các hoạt động hội hè như vùng kinh tế nông nghiệp không có. Sau lễ buổi sáng, buổi chiều là ca hát tại cửa thánh. Người ta mời các danh ca ở Phú Mỹ, Mỹ Đình đến hát ca trù. Những người này đã quen việc, biết nghi thức hát thờ. Quan viên ngồi nghe, đánh trống chầu giữ nhịp, ai có thơ xướng họa đưa vào, các cô đào hát sẽ chuyển thể. Đó là thú chơi tao nhã, được người An Thái ưa chuộng.

 

Với dân thường thì hay tổ chức ở Gò Si giữa ao làng làm điểm vui chơi. Ở đây có năm dựng rạp, đón các gánh hát về diễn chèo, tuồng theo các tích cổ. Gò Si có năm tổ chức bắt chạch trong chum, ai dự thi thì đi thuyền ra gò mà bắt, dân đứng quanh bờ xem cổ vũ.

 

Đến chiều, đám hát ca trù tại đình cũng nghỉ, các bô lão làm lễ tạ thánh, lễ “giải triều y” xếp phẩm phục vào hòm, niêm cất đợi ngày lễ kỵ. Tờ kim tiên được bóc khỏi bài vị, đem hóa, tro đem đổ xuống giếng long tỉnh ở đầu làng An Thái.

 

Lễ nghênh đã hoàn tất. Ngày hôm sau, cả làng lại nhộn nhịp bắt tay vào làm giấy.

 

Những năm có phong sắc cho thần thì cả làng làm lễ kéo dài trong ba ngày.

 

Lễ Kỵ

Ngày lễ kỵ ở đình An Thái ngày xưa không tổ chức tại đình, mà tổ chức ngay tại Chiêu Ứng vương từ và lăng. Trước năm 1946, tại miếu Chiêu Ứng có hai nhà, giải văn và giải vũ. Đến ngày kỵ, làng Bái Ân rước kiệu sang để cùng tham gia tế lễ. Thông thường, quan viên hai làng chia hai bên mà đứng, Bái Ân đứng bên trái, An Thái đứng bên phải. Quan chủ tế do các vị tiên chỉ hai làng luân phiên đảm nhiệm theo quy định. Tế kỵ thường tổ chức từ giờ Tuất đến giờ Hợi ngày 30 tháng Một. Ngày tế kỵ chỉ hành lễ ở lăng nên các thủ tục như “rước kim tiên”, “phong triều y”, “giải triều y” không có. Các nghi thức như các họ mang lễ ra, các phe giáp mang lễ ra cũng giống như khi làm tế nghênh.

 

Lễ quan hèm có những thức:

 

- Cỗ chay: chè kho, chè mộng, bánh khảo, chè lam, mía cắt tấm.

 

- Cỗ mặn: xôi dẻo thịt bò béo thui chín để cúng ông; cơm nếp gà mái ghẹ để cúng bà.

 

Ngày nay, sau một thời gian dài không hành lễ, đình An Thái mới được sửa chữa lại, dân làng tổ chức lễ tế xuân với nhiều nét khác.Trước đây các việc chọn vật tế, nấu nướng, cúng bái đều do nam giới, bây giờ khôi phục lễ hội thì nữ đã tham gia một số việc, và có lúc lấn át các hoạt động của nam giới. Những hoạt động tôn giáo đã len vào chốn tín ngưỡng qua các đội tế nữ, đội dâng hương từ thiện, Phật giáo Bình Thiện…và đã làm kém vẻ nghiêm trang của đình.

 

Từ chiều mồng 9 tháng Hai, các bà đã mặc áo nâu, chân đất, đeo tràng hạt đến cửa thánh để gõ mõ tụng kinh Phật cầu giải oan! Ngày hôm sau, lại là các bà mặc áo vàng, dáng như mệnh phụ đến tế dâng hương. Họ cũng có tế chủ, đông xướng, tây xướng và gần ba chục tế viên, vác đao vác kiếm đứng trước ban thờ và xướng lên: “Đoàn dâng hương từ thiện làng An Thái chúng con xin kính trình tam bảo (!) kính lễ đức đại vương dâng nén tâm hương cúc cung kính lễ”.

 

Khi việc tế lễ kết thúc, các bà còn tổ chức “Múa cung đình” (?) hoặc trình diễn “Mục liên – Thanh Đề”vừa hát, vừa xin mọi người gia tâm công đức.

 

Những hoạt động pha tạp này đã thay đổi tính chất của lễ hội, và đã chịu ảnh hưởng của kinh tế thị trường. Chỉ khi nào các hoạt động lễ hội đi dần vào nếp cổ, sang lọc nét lố lăng, chúng ta mới có thể có được một lễ hội mang đậm tính văn hóa Việt Nam.

Theo Lễ hội Thăng Long, Lê Trung Vũ (cb), NXB Hà Nội, 2001

 

Đăng lúc: 04/07/2011 10:29

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối