Nhạc sĩ Dân Huyền: Đàn và hát dân ca giữa lòng Hà Nội

Giữa cuộc sống như gió thoảng mây trôi chốn đô thị, không mấy ai ngờ, vẫn còn một địa chỉ, mà ở nơi đó, hàng ngày rộn rã những khúc dân ca

 Đàn và hát dân ca giữa lòng Hà Nội

Đó là Câu lạc bộ (CLB) Đàn và hát dân ca, là nơi nhạc sĩ Dân Huyền trải lòng với những bộn bề tâm sự.

PV: Đàn và hát dân ca dường như là một ý tưởng hơi “lạ lẫm” giữa chốn thị thành. Vậy vì sao, CLB Đàn và hát dân ca lại có thể thành lập, thưa ông?

Nhạc sĩ Dân Huyền: Nhớ lại tháng 7-1996, trên bàn làm việc của tôi, ngày nào cũng mấy chồng thư thính giả gửi về cho Phòng Dân ca (Đài Tiếng nói Việt Nam) đề nghị nghe lại những bài hát mà họ yêu thích. Bên cạnh đó là những lá thư hoan nghênh chương trình dạy hát theo băng “Những bài dân ca hay trong sổ tay của bạn”. Những lá thư ấy còn đề nghị, ngoài học theo băng, muốn được trực tiếp thấy các thầy các cô là nghệ sĩ ưu tú đến giảng dạy trên lớp.

Thế là, tôi đem ý tưởng thành lập CLB bàn với nhạc sĩ Hồ Trung là Phó phòng (cũng là ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam Đài Tiếng nói Việt Nam) cùng bà con trong phòng. Ai cũng đồng tình ủng hộ và mong muốn ra mắt trong năm 1996. Mọi việc chuẩn bị gần xong thì đột ngột anh Hồ Trung từ trần, đành lùi thời gian lại. Tôi biết ranh giới và vị trí của tôi - trong mọi trường hợp quyền quyết định cuối cùng không thuộc về mình.

Nhưng ý tưởng đã có, đã viết ra giấy thì nhất quyết không để nó bị mốc trên giấy mà phải thấy hiệu quả ngay. Một mặt, tôi bàn thêm với nhạc sĩ Ngọc Phan (cũng là ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam Đài Tiếng nói Việt Nam) về chương trình giảng dạy và đội ngũ người dạy “đàn và hát”. Mặt khác, tôi tranh thủ ý kiến và đặt vấn đề sự cần thiết của một CLB mang tính chất truyền bá và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền “bởi tương lai không chỉ là hướng ta đến, mà tương lai là chính bằng những việc làm thiết thực từ hôm nay” với các đồng chí lãnh đạo Đài.

Lãnh đạo Đài đã ghi nhận sự hữu ích ấy, không chỉ chấp nhận mà còn cho tiền chi tiêu hàng tháng, và mong muốn ra mắt CLB trong năm 1997. Những yêu cầu tối thiểu, các bước chuẩn bị đã hoàn tất, kể cả thông báo trên làn sóng của Đài. Sáng chủ nhật ngay 5-7-1997, khu vực 58 Quán Sứ tấp nập đông vui, già trẻ gái trai đủ mọi lứa tuổi. Bên cạnh người nội ngoại thành Hà Nội, còn có người các tỉnh lân cận như Hà Tây, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên… Hội trường tầng 3 không đủ chứa hết tiếng vỗ tay của khách và chủ, của thầy và trò. Ai nấy như mở cờ trong bụng.

PV: Sau sự khởi đầu hào hứng ấy, CLB Đàn và hát dân ca đã hoạt động ra sao, thưa ông?

Nhạc sĩ Dân Huyền: Sau một năm sinh hoạt, niềm vui được nhân đôi, bởi trong buổi gặp gỡ để “Hát cho nhau nghe” của CLB, bên cạnh những người ở tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Hà Tĩnh từ miền Trung ra tham gia, là bà con các dân tộc Nùng, Mường ở tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hòa Bình đến học. Nếu những anh bộ đội sao trên mũ, mang quân hàm đỏ và xanh đến hát rất hay. Những cô học sinh, sinh viên càng duyên dáng trong tà áo dài lên sân khấu múa thật đẹp. Hàng ghế trước có một gia đình 4 người (bố mẹ và hai con) cùng ngồi học, hàng ghế sau lại có hai vợ chồng trẻ, hai chị em,hai anh em ruột. Lại có cả những bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người khiếm thị trong Hội Người mù cùng đàn và hát. Ngồi bên các nhà sư với áo nâu sồng, cổ đeo tràng hạt là các bạn quốc tế người Đan Mạch, người Lào, người Phi-líp-pin… Họ hát dân ca Việt Nam chẳng thua kém gì người Việt Nam. Họ cho rằng, cuộc sống hết sức sôi động và nhiều lệ thuộc vào guồng máy công nghệ hiên nay, con người rất cần những khoảnh khắc thư giãn, nó còn bao gồm cả sự tự khám phá về các thể loại âm nhạc mà dân tộc Việt Nam vốn có.

Một năm đi qua, Đài Truyền hình Trung ương, Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Hà Tây đã ưu ái phát hết hình ảnh của CLB. Các báo ở Hà Nội cũng dành “đất” giới thiệu về CLB với thiện chí không tiếc lời: “Hay một ta cho nó lên hay hai, đẹp ba ta cho nó lên đẹp bốn”; “Với không khí âm nhạc như thế này, ai dám bảo dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam là lỗi thời!?; “Một tụ điểm âm nhạc cổ truyền hấp dẫn giữa lòng Hà Nội”…

Sau 14 năm hoạt động, về phía người tham gia, tức là những học viên và cũng là những hội viên của CLB đã có dịp hiểu thêm những vùng dân ca trong cả nước và biết hát hoặc đàn hơn 300 bài dân ca (kể cả hát chèo, ca Cải lương, ca Huế, hát Văn…). Từ những kiến thức tiếp thu được ở CLB, nhiều học viên không chỉ tự khẳng định mình về khả năng văn nghệ mà còn trở thành những “hạt nhân”, những người nòng cốt trong hoạt động văn nghệ ở các phường, xã, trường học, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị vũ trang… góp phần tạo nên một phong trào hát dân ca ở nội, ngoại thành Hà Nội và một số địa phương phụ cận Thủ đô.

Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam, thông qua CLB cũng đã phát hiện những khả năng mới, có thêm những người đàn và hát dân ca, dù là không chuyên nhưng đầy triển vọng. Thông qua thu thanh để giới thiệu những giọng hát mới, những tay đàn mới với thính giả cả nước, góp phần làm phong phú thêm các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền. Đồng thời, thông qua các buổi tập hát của CLB được ghi âm phát lại trên sóng, cũng tạo nên một không khí âm nhạc sôi nổi có ý nghĩa xã hội hóa việc giữ gìn và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền của tổ tiên bao đời để lại, tạo nên môi trường âm nhạc lành mạnh, góp phần quan trọng việc bảo tồn bản sắc dân tộc trong thời đại mới.

Một số học viên sau thời gian sinh hoạt ở CLB đã trở thành sinh viên các trường: Đại học Sân khấu Điện ảnh, Đại học Văn hóa, Nhạc viện Hà Nội, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Lại cũng có những học viên qua các thi hát của CLB nay đã trở thành ca sĩ Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, hay diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Đặc biệt, có một số học viên đã sáng tác được nhiều bài hát, trở thành những tác giả không những quen thuộc của CLB mà còn rất quen thuộc với thính giả cả nước mỗi khi nghe các chương trình dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam.

PV: Khi phải đối mặt với “cơ chế thị trường”, với sự “xâm lấn” của các loại hình nghệ thuật hiện đại, hầu hết các môn nghệ thuật truyền thống đều gặp khó khăn. Trong bối cảnh ấy, CLB Đàn và hát dân ca đã làm gì để “tồn tại”, thưa ông?

Nhạc sĩ Dân Huyền: Do “cơ chế thị trường” nên mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật đều đi vào “xã hội hóa”. Cuối năm 1998, cả 3 câu lạc bộ: CLB Bạn yêu nhạc, CLB Người hâm mộ sân khấu, CLB Đàn và hát dân ca không còn sự trợ cấp của Đài nữa mà phải tự lo lấy. Lại một “thách thức” nữa với CLB của chúng tôi. Thời điểm này chúng tôi thấy mình phải và cần làm được nhiều việc cùng một lúc, không có bước lùi mà chỉ có bước tiến. Anh Ngọc Phan, chị Minh Kha đã cùng tôi thực hiện nhiều việc. Liên tục những tập sách “Bài hát dân ca quen thuộc” và những cuộn băng cát-xét chứa tiếng hát của các nghệ sĩ quen thuộc được hoàn tất trước thời hạn để phục vụ CLB.

Cũng may là CLB được sinh ra trong thời đại “kỹ thuật số hóa” nên mọi việc cũng rất chóng vánh bằng công nghệ tin học. Chúng tôi rất cảm động khi nhiều học viên đã nói: “Âm nhạc dân tộc Việt Nam dằng dặc trong thời gian và mênh mông trong không gian, học cả đời vẫn chưa hết, bằng mọi giá thầy và trò chúng ta phải giữ nó, quyết không xa nó”. Chính vì vậy, người tặng 100 ngàn đồng, người biếu 50 ngàn đồng là chuyện thường ngày ở CLB. Có mấy hội viên đoạt giải thưởng cao trong “Cuộc thi hát dân ca toàn quốc” đã tặng lại cho CLB mỗi người 500 ngàn đồng. Có hội viên nhận in hộ hàng trăm cuốn sách bìa cứng (dùng làm tài liệu học) không lấy tiền thù lao. Có cô giáo tự nhận mình là có nghĩa vụ truyền dạy nên vui lòng nhận thù lao thấp nhất. Các vị ở Đoàn Ca nhạc của Đài đã tạo nhiều điều kiện để CLB hằng tuần sinh hoạt đều đặn vào sáng chủ nhật…

Thành lập CLB đã khó, duy trì nó còn khó hơn. Chúng tôi đã quá quen với những khó khăn và tự động viên mình tìm mọi cách để CLB trở thành một địa chỉ thu hút nhiều hơn nữa những người yêu thích dân ca và nhạc cổ truyền. Chính các hội viên đã dạy cho chúng tôi nhiều điều hơn là những gì chúng tôi dạy cho họ.

Thấm thoắt đã được 14 năm. Niềm vui cứ tiếp tục nhân đôi với thầy và trò, với những người quản lý và phục vụ cho CLB. Chúng tôi tự ví mình như người làm nghề kiến trúc xây dựng “vừa thiết kế lại vừa thi công”. Bởi trước khi thành lập CLB, chưa hề có một “mô hình mẫu” nào để mà học, để mà theo. Cứ mỗi năm qua đi, chúng tôi tự xem lại những cái làm được và cái làm chưa được, xem lại năng lực của mình có còn làm được những gì nữa không.

PV: Thành lập và duy trì được một CLB nghệ thuật truyền thống trong 14 năm, đó có thể được coi là một thành công đáng ghi nhận. Bài học rút ra là gì, thưa ông?

Nhạc sĩ Dân Huyền: Một ông chủ nhiệm CLB bạn, thành lập được hơn 2 năm đã phải giải tán, trong khi trò chuyện, đã hỏi tôi rằng: “Tại sao các ông không những duy trì được CLB mà còn phát triển, có bí quyết gì?”. Tôi trả lời: “Chẳng có bí quyết gì cả, chỉ có lòng thương yêu, vì nhau và cùng nhau vun vào. Như ông biết đấy, trong dân ca Việt Nam không chỉ có một yêu, một nhớ, một thương mà còn đủ cả mười yêu, mười nhớ, mười thương. CLB Đàn và hát dân ca mà lỵ. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên CLB Đàn và hát dân ca vẫn tồn tại, trong khi 2 CLB cùng thời (Bạn yêu nhạc và Người hâm mộ sân khấu) đã vắng bóng từ lâu.

Âu cũng là một niềm vui nho nhỏ từ một ý tưởng. Chúng tôi tự nhủ lòng mình: “Đừng nghĩ rằng hễ cứ biết bơi là có thể vượt sông được”. Riêng tôi cũng nghiệm ra rằng: “Khi đã có ý tưởng, thì cần nghĩ ngay phương pháp thực hiện. Việc gì cũng có giá của nó, nhưng cố gắng “giá rẻ” chứ đừng “đắt giá”, kể cả tìm cách vượt qua những vật cản nếu có”.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo qdnd.vn
Đăng lúc: 01/08/2011 17:56

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối