Căn nhà nằm trong một khu tập thể, đi từ “con đường của người lao động” Khâm Thiên rẽ vào ngõ Văn Chương nổi tiếng, là nơi nhà văn quê Nghệ An sống cùng bà Phan Hồng Mai - người vợ gốc Hà Nội - và các con cháu. Từ phòng khách đến các phòng trong và gác xép đều nhỏ và chật chội, với nhiều giá đựng sách, ảnh tư liệu dán chi chít trên tường, nhưng sàn nhà rất sạch sẽ tinh tươm.
Nhà văn bị bệnh nặng hồi năm ngoái, đến nay ông đã yếu đi nhiều, thường xuyên phải nằm một chỗ hoặc đi xe lăn (hôm nhận danh hiệu Anh hùng lao động ông cũng ngồi trên xe lăn). Khi có khách đến thăm nhà, con trai ông là anh Bùi Xuân Định bế bố ngồi lên ghế. Ông vẫn ngồi vững vàng và còn cười rất tươi và rất lâu khi chụp ảnh với những người bạn cũ đến chơi nhà.
 |
Vợ chồng nhà văn Sơn Tùng. Bà Phan Hồng Mai gọi chồng là "anh", xưng "em" đầy trìu mến, bà nhắc ông có khách đến chơi. |
Vợ nhà văn, bà Mai, có vẻ ngoài thanh thoát với mái tóc bạc phơ. Bà đứng sát chồng, thỉnh thoảng xoa bóp tay cho ông hay nhẹ nhàng dùng khăn lau miệng. “Dạo này sức khỏe của ông đuối lắm”, bà tâm sự. “Chẳng được tử tế gì, ông đổ bệnh từ hồi năm ngoái, phải nằm viện vì mổ mật. Cách đây một tháng lại phải đi cấp cứu vì… bệnh Tào tháo”. Khi nói về sức khỏe của chồng, giọng bà có chút nghẹn ngào, nhưng lúc chăm sóc ông, dáng điệu bà lại bình thản, nhẹ nhàng như một lẽ tự nhiên.
Nhà văn 83 tuổi vẫn còn nhớ tên các vị khách - những người bạn cũ như nhà văn Lê Phương Liên hay họa sĩ Phạm Quang Vinh và có thể gọi tên họ khi được vợ gợi ý. Bà Mai hỏi “Anh có nhớ đây là ai không? Phương…”, thế là ông nói “Phương Liên”. Nhà văn Lê Phương Liên là một thành viên trong nhóm biên tập viên đầu tiên của cuốn Búp sen xanh, khi sách in lần đầu tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Đến nay, sách đã tái bản khoảng 30 lần, đó là chưa kể còn có bản dịch tiếng Anh và truyện tranh Búp sen xanh.
Trong một bài viết trên báo in mới đây nói về cuốn Búp sen xanh, có ảnh Sơn Tùng chụp cùng Lê Phương Liên và một số bạn bè trong dịp đến thăm Làng Sen quê Bác năm 1987. Mọi người chỉ cho ông xem bức ảnh, hỏi mãi Sơn Tùng mới nhận ra chính mình và Lê Phương Liên trong bức ảnh. Thế nhưng khi bà Mai, vợ ông nói với các vị khách rằng ông bây giờ khó nhận ra người quen, nhà văn “cãi” ngay rằng ông vẫn nhận ra được, bằng một giọng nói khàn khàn yếu ớt. Mọi người đều phải gật gù, đồng ý là ông vẫn còn tỉnh táo.
 |
Bức ảnh anh phóng viên Sơn Tùng (người cầm cuốn sổ) năm 36 tuổi vinh dự được chụp cùng Hồ Chủ tịch trong dịp Tết năm 1964. |
Ngay cạnh giường của nhà văn trong phòng khách có bức ảnh ông chụp với Hồ Chủ tịch vào dịp Tết Giáp Thìn 1964. Đó là năm Sơn Tùng mới 36 tuổi, đang làm phóng viên chính trị xã hội. Bức ảnh chụp khi Bác đến thăm thôn Lỗ Khê, xã Liễu Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội vào sáng mồng một để chúc Tết bà con trong thôn. Sơn Tùng từng viết bài báo có tên Xuân Lỗ Khê, khen ngợi thôn này là điển hình tiên tiến về sản xuất trong thời kỳ đó. Trong chuyến đi đó, ông vừa là phóng viên, vừa là thư ký cho Hồ Chủ tịch, đi cùng hai người còn có đồng chí Lê Văn Lương.
“Đó cũng là cái Tết cuối cùng tôi được gặp Bác. Đêm giao thừa Lỗ Khê là một kỷ niệm không thể quên trong đời làm báo của tôi”, trước đây nhà văn từng chia sẻ về ý nghĩa của lần gặp gỡ này đối với ông. Năm đó, ông cũng hoàn thành cuốn sách Xuân Lỗ Khê. Đó là một trong những tác phẩm được Nhà nước tuyên dương trong đợt phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động mới đây.
 |
Bàn viết của nhà văn. |
Trong nhà, bàn viết của nhà văn là một góc riêng ngăn nắp, với lối vào có hai bên là hai giá sách to cao, còn ở giữa là tấm phản nơi ông thường ngồi cùng các vị khách trong làng văn. Ngay trên bàn viết là gian thờ “bốn vị thánh” gồm Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó bức ảnh của Bác chụp khi Người ngồi thiền trong hang đá Pắc Bó.
“Phòng viết là nơi nhà văn tiếp khách bàn chuyện công việc, còn bạn bè thân thiết đến đàm đạo văn chương thì ông tiếp ở chiếu văn”, anh Bùi Xuân Định cho biết. “Hồi đó nhà tôi không ngày nào không có khách ăn cơm, ăn xong các cụ lại nằm ngủ trưa trên chiếu văn”.
Tại chỗ cửa ra vào, ngay ở bức tường trên đầu có một tổ ong nhưng… không còn ong. Bà Hồng Mai kể: “Ong nó tự đến làm tổ từ mười mấy năm trước đấy, có lúc còn có cả mật nữa cơ. Nhưng mỗi lần có người lên trên nhà bơm nước là ong cứ theo lên đốt cho sưng hết cả mặt cả mũi. Sau đó ông nhà tôi mới phải đánh cái tổ, đánh đúng vào con ong chúa, thế là những con khác đều bỏ đi. Nhưng nhà tôi vẫn giữ cái tổ ấy trên tường vì như người ta nói, nhà nào có ong đến làm tổ thì gặp nhiều may mắn, mà tôi thấy đúng thế thật, nhiều nhà không biết lại cứ đem vặt cái tổ đi”.
 |
"Tổ ong may mắn" trước cửa ra vào đã đồng hành cùng gia đình nhà văn trong mười mấy năm qua. |
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928, quê ở một làng chài nghèo thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Búp sen xanh viết về cuộc đời cụ Hồ Chí Minh, từng tái bản rất nhiều lần. Bên cạnh đó còn có Bông sen vàng, Trái tim quả đất, Mẹ về, Từ làng Sen (đồng tác giả là họa sĩ Lê Lam), Hẹn gặp lại Sài Gòn (kịch bản phim truyện).
Sơn Tùng là một nhà văn - chiến sĩ. Trên cơ thể ông còn lưu lại nhiều di chứng của những vết thương nặng ông gặp phải ở chiến trường Đông Nam bộ cách đây hàng chục năm. Ông được xếp hạng thương binh 1/4, về già sức khỏe ngày càng xấu đi. Sơn Tùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động hôm 22/7, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội.
Theo nguoihanoi