Học và hành để thành người Hà Nội

Đã có không ít các nhà văn hóa, giáo dục và cả sinh viên không phải quê Hà Thành, nhưng đã có một số năm sống trên đất này, đã một vài đời cư ngụ hoặc sinh ra ở đây, tiếp thụ được những thói quen tốt của người Hà Nội và họ đã và đang trở thành người Hà Nội.

Có giáo sư lên bục giảng đều nói tiếng Hà Nội, còn phương ngữ chỉ dùng khi giao tiếp với đồng hương hoặc lúc trở về làng. Tôi gặp một số anh chị sinh viên nói tiếng Hà Nội, nhưng khi hỏi quê quán lại là người Thanh-Nghệ-Tĩnh. Đó là do sự tiếp nhận có ý thức để thích ứng với môi trường đang sống.

Học làm người Hà Nội không chỉ ở tiếng nói mà còn ở cách sống, cách ăn ở, ăn mặc, ăn uống, học hành, làm việc và cả cách chơi nữa. Học cái tốt đẹp truyền thống của đất nghìn năm văn hiến, cái đang bị tác động suy thoái, chứ không phải những thứ lai tạp, lai căng, hợm của, khinh người của thời mở cửa và kinh tế thị trường mới xâm nhập vào đời sống Hà Nội. Những hiện tượng thiếu văn hóa ấy không phải gốc gác của Hà Nội. Nó đang làm cho Hà Nội xấu đi trong con mắt của mọi người. Chúng ta cần phân hóa, loại trừ dần để trả lại cho Hà Nội những con người phong nhã hào hoa, những gia đình văn hóa, một cộng đồng văn minh, một Thủ đô thanh lịch.

 

Nhà trường phải là nơi dạy và hướng dẫn hành vi văn hóa một cách thiết thực cho các em học sinh từ vị thành niên đến hết bậc phổ thông. Muốn vậy, các nhà giáo phải đi trước một bước. Nếu thầy giáo, cô giáo nói ngọng, học trò sẽ ngọng theo. Nếu thầy giáo, cô giáo hút thuốc lá, say bia rượu, có cư xử thiếu văn hóa, rất khó bảo học trò phải có văn hóa. Sự gương mẫu từ những việc nhỏ nhất của nhà giáo là bài học tốt, là tấm gương sáng cho các em noi theo.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với NXB Hà Nội đang thực hiện một dự án của thành phố giao. Đó là thành lập một tiểu ban biên soạn với những nhà giáo giàu kinh nghiệm và một ban tư vấn gồm một số nhà văn hóa, lịch sử, giáo dục có danh, hoàn thành bộ tài liệu chuyên đề "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh" dùng cho học sinh từ lớp một đến lớp 11. Tài liệu này không đưa lý thuyết dài dòng mà đi ngay vào những hành vi cụ thể để các em ghi nhận, đối thoại, thực hành qua các tiểu phẩm tự soạn ở trong lớp và khi sinh hoạt ngoại khóa. Nội dung chủ yếu là định hướng cho các em về kỹ năng sống trong giao tiếp và ứng xử có văn hóa, thông qua các trường hợp thường gặp như tham gia giao thông, bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp, lễ phép với thầy cô, thân thiện với bạn bè, xử lý khi đi chợ mua bán, dự liên hoan văn nghệ, kỷ niệm ngày sinh, đến đám cưới, đám tang... cho đến việc chào hỏi, thưa gửi với ông bà, cha mẹ, cách ngồi ăn trong bữa cơm thường ngày. Theo từng lứa tuổi mà ứng dụng các hành vi thích hợp, từ thấp lên cao dần.

Việc làm này cần được sự thống nhất quan điểm và hỗ trợ của gia đình, các đoàn thể xã hội nhất là thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi để tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Với người lớn, qua văn hóa đọc và quan sát, tìm hiểu, ta sẽ hiểu rõ về những thói quen tốt của người Hà Nội để làm theo, ứng dụng vào cuộc sống đời thường.

Học cái hay, cái tốt bao giờ cũng khó như người leo lên dốc, còn tiêm nhiễm cái xấu nhanh khác nào lăn xuống vực. Nhưng cái tốt, cái hay bao giờ cũng là đích hướng tới của người có lương tri. Ở Thủ đô ta, số người tốt luôn là số đông.

Vì tình yêu Hà Nội, vì trách nhiệm và vinh dự của Thủ đô, mỗi chúng ta hãy tự điều chỉnh hành vi, xây dựng lối sống có văn hóa để thành người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

 (Theo Nhân dân)

Đăng lúc: 05/07/2011 15:33

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối