Hà Nội chưa thực hiện điểm bán thuốc bình ổn giá

Thành phố đã chi hàng trăm tỉ đồng để bình ổn giá 10 mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, còn khuyết một mặt hàng đặc biệt thiết yếu khác rất cần bình ổn giá là dược phẩm.

Nhiều người cho rằng, Hà Nội nên học tập TP. HCM, đồng loạt triển khai các điểm bán thuốc bình ổn giá để người dân, đặc biệt là người nghèo bớt gánh nặng chi phí cho bệnh tật. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

- Thưa ông,TP. HCM đã triển khai đồng loạt hàng trăm điểm bán thuốc bình ổn giá ở 24 quận, huyện, và từ nay đến Tết Nhâm Thìn 2012 sẽ tiếp tục mở rộng thêm các điểm bán khác ở khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, khu vực đông dân cư, khu vực có người thu nhập thấp. Vậy Hà Nội nên chăng cũng thực hiện các điểm bán thuốc bình ổn giá?

Chúng tôi chưa đề xuất thực hiện các điểm bán thuốc bình ổn giá như trong TP. HCM, mà đang cố gắng thực hiện bình ổn bằng các biện pháp khác, tức là kiểm soát các yếu tố thuộc về chủ quan của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc, không phải các yếu tố bất khả kháng. Chúng tôi luôn sẵn sàng học tập kinh nghiệm bình ổn giá như các địa phương bạnkhi có đánh giá về hiệu quả.

- Bình ổn giá bằng các biện pháp khác? Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Chúng tôi cố gắng tìm xem nguyên nhân tác động đến việc tăng giá là gì, rồi "gỡ" từng "nút" một. Có những nguyên nhân khách quan khó "gỡ" nổi như việc giá nguyên liệu đầu vào, giá điện, tỉ giá hối đoái... Đây là những vấn đề khó, bởi Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sản xuất thuốc. Còn những vấn đề làm được, chúng tôi cố gắng thực hiện. Vừa rồi, Sở Y tế đã có cuộc họp với các doanh nghiệp dược trên địa bàn và thống nhất hưởng ứng chủ trương bình ổn giá. Đa số các doanh nghiệp đều ủng hộ. Chúng tôi còn tiến hành kiểm tra thường xuyên việc kê khai và kê khai lại giá bán thuốc. Doanh nghiệp nào xin điều chỉnh giá, xét thấy hợp lý mới cho tăng. Giá thuốc đến tay người tiêu dùng chắc chắn phải bán thấp hơn hoặc bằng giá kê khai, giá niêm yết, nếu không sẽ bị xử lý.

- Vậy thời gian gần đây đã có doanh nghiệp nào của Hà Nội vi phạm qui định này và bị xử lý chưa?

Có chứ (nhưng xin được giấu tên), với vi phạm này chúng tôi đã phạt hàng chục triệu đồng, tịch thu toàn bộ số tiền bán vượt giá kê khai, niêm yết theo quy định của pháp luật.

- Mức phạt ấy, chắc rằng khó đủ sức răn đe, khiến họ dễ tái phạm?

Chúng tôi xử lý theo đúng qui định hiện hành.

- Ông có cho rằng tâm lý sính ngoại là một trong những nguyên nhân khiến giá thuốc nhập ngoại tăng cao?

Mặc dù chúng tôi luôn tuyên truyền và khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng thuốc nội. Các thuốc khi được sản xuất và đưa ra thị trường đều đảm bảo bởi các tiêu chí kỹ thuật hết sức nghiêm ngặt, vì vậy nên tin tưởng vào chất lượng thuốc nội. Nhưng khách quan mà nói, đa số mặt hàng Việt Nam sản xuất được đều thuộc nhóm thuốc thông thường, các nhóm đặc trị, chuyên khoa phần nhiều đang là thuốc nhập ngoại, nên dù muốn hay không, người Việt vẫn còn phải dùng thuốc ngoại.

- Theo ông, biện pháp dài hơi để bình ổn giá thuốc là gì?

Vấn đề này cần cả một quá trình, phải thực hiện từ khâu nghiên cứu, sản xuất và phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, đầu tư nghiên cứu, xây dựng hệ thống công nghiệp dược phẩm, có qui hoạch về vùng nguyên liệu dược… Hiện tại, biện pháp quản lý nhà nuớc là tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc. Điều mà Hà Nội đã và sẽ tiếp tục thực hiện được là phối hợp với các doanh nghiệp dược có kế hoạch cung ứng đủ thuốc chữa bệnh, đồng thời giữ giá ổn định những loại thuốc thiết yếu.

- Xin cảm ơn ông!

Theo KTĐT

Đăng lúc: 04/08/2011 15:32

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối