Năm 2012 Hà Nội khởi công đường trên cao

Phó chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng, mở rộng tuyến đường vành đai 2 và tuyến đường bộ trên cao đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở để khởi công năm 2012.

 UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải và một số đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng, mở rộng tuyến đường vành đai 2 và tuyến đường bộ trên cao đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.

Phó chủ tịch UBND Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các Sở Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc nghiêm túc thực hiện nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về dự án đầu tư xây dựng này theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Đường Trường Chinh nối Ngã Tư Sở với Ngã Tư Vọng thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Nguyễn Lê.

 

Theo đó, trong tháng 8/2011 Sở Quy hoạch Kiến trúc phải trình UBND thành phố phê duyệt chỉ giới đường đỏ dự án đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng để Sở Giao thông Vận tải hoàn chỉnh dự án trong năm 2011 và khởi công vào đầu năm 2012.

Còn với dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội có trách nhiệm đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án. Sở Kế hoạch Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 8/2011 để khởi công Dự án vào năm 2012.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ủng hộ đề xuất của Công ty cổ phần Vincom về việc đầu tư xây dựng đường bộ trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở (thuộc vành đai 2, Hà Nội) theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Trao đổi với PV, TS Khuất Việt Hùng (ĐH Giao thông Vận tải) cho hay, nếu so sánh với chi phí đền bù và giải phỏng mặt bằng để mở rộng đường thì phương án làm đường trên cao từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy có chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với chủ đầu tư và thành phố đó là 2 cây cầu vượt hiện hữu tại Ngã tư Sở và Ngã tư Vọng và nguy cơ đập bỏ rất cao.

Tuy nhiên, trước thông tin Hà Nội có thể phải đập bỏ 3 cây cầu vượt mới xây trị giá cả nghìn tỷ đồng để làm đường trên cao vành đai 2, vành đai 3, UBND Hà Nội khẳng định, thành phố không có chủ trương phá bỏ 3 cầu vượt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch để xây dựng đường trên cao dọc tuyến vành đai.

Theo vnexpress

 

Đăng lúc: 18/08/2011 17:38

Bản để in Lưu vào bookmarkKết nối nhà cung cấp đặc sản, nhà sản xuất, nhà phân phối