Năm 2011, Hà Nội triển khai 20 dự án ODA, song sau 6 tháng đầu năm, số vốn giải ngân được chỉ 16,5% kế hoạch. Dường như, cụm từ "dự kiến” luôn song hành với các dự án.
Tiến độ triển khai kiểu "rùa bò”
Theo báo cáo, dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2011. Các đoạn còn lại thuộc các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa sẽ điều tra xong trong quý III/2011 và lập phương án đền bù từ quý IV/2011.
Dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) đang tiến hành đền bù tại khu vực bến xe Kim Mã và lập phương án đền bù khu đề-pô Vĩnh Quỳnh trong quý III/2011. Về đường vành đai 2, các đoạn Nhật Tân - Xuân La đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán, dự kiến đấu thầu và khởi công trong quý III/2011, đoạn Xuân La - Bưởi đang hoàn chỉnh hồ sơ, đoạn nút Buởi - Cầu Giấy đang thẩm tra, nút Đào Tấn đang điều chỉnh chỉ giới để ra quyết định thu hồi...
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội, đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật 9 gói thầu, dự kiến cuối năm 2011 khởi công 1 gói, đồng thời hoàn tất các thủ tục để tổ chức đấu thầu các gói trên cao vào cuối năm 2011 và dự kiến khởi công vào quý II/2012. Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, với hơn 10 gói thầu, đã hoàn thành phê duyệt thiết kế, dự toán...
Nếu so sánh công suất làm việc ở thời điểm hiện tại, với dự kiến ban đầu, hầu hết các dự án trên đều chậm trễ, thậm chí một số dự án hiệp định vay vốn đã hết, vẫn chưa hoàn thành. Cụ thể như dự án phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, hiệp định vay vốn đã kết thúc năm 2008 song dự án vẫn chỉ tồn tại... trên giấy. Hay dự án xây dựng tuyến BRT do Sở GTVT làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2005, đến nay sau 6 năm, chưa có gói thầu nào được khởi công.
Bà Nguyễn Minh Thuần (Sở KHĐT) cho biết, các dự án triển khai chậm đều được chủ đầu tư "lý giải” với những nguyên nhân đến từ khách quan. Song dù nói gì thì trách nhiệm chính vẫn phải thuộc về chủ đầu tư, khi để xảy ra chậm trễ. "Nhiều hạng mục còn chưa xong khâu đấu thầu, chưa thể khởi công khi thời hạn kết thúc dự án không còn nhiều, rõ ràng việc tính toán và thực hiện dự án có vấn đề”.
Khốn khổ vì giải phóng mặt bằng
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án ODA do UBND TP tổ chức mới đây, hầu hết chủ đầu tư bị chậm tiến độ đều "đổ lỗi” cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), như một tác nhân chính, kéo dự án chậm như rùa.
Như dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm cho cho rằng không thể GPMB cho dự án, khi quỹ đất tái định cự cho 50 hộ dân vẫn chưa được giới thiệu. "Dân không có điểm đến tất nhiên họ sẽ không giao đất. Đó là chưa nói đến những lô đất đã hoàn thành GPMB nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai, gây nhiều bức xúc”, đại diện UBND huyện Từ Liêm nhấn mạnh.
Hay như dự án phát triển cấp nước tại huyện Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, đại diện Công ty cấp nước Hà Đông cho biết, hầu hết các hạng mục của dự án đều đã được triển khai nhưng do khâu GPMB tại Khu đô thị phía Nam đường 32 thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô luôn gặp vướng mắc nên toàn bộ dự án vẫn cứ treo. Đây cũng là nguyên nhân các dự án như tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội... tại cuộc họp nào cũng "kêu cứu” (?)
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư tập trung cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc. Cụ thể, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc phải có ngay văn bản giới thiệu địa điểm khu tái định cư đối với khu đề-pô tại huyện Từ Liêm, nhằm tạo điều kiện cho huyện sớm phê duyệt phương án GPMB.
Đồng thời chủ đầu tư Dự án đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội yêu cầu nhà thầu Vinaconex đẩy nhanh tiến độ thi công phần hạ tầng kỹ thuật. Nếu nhà thầu vẫn tiếp tục chậm sẽ được thay thế bởi nhà thầu khác, tránh tình trạng chủ đầu tư bị động và phụ thuộc vào nhà thầu. Đối với Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, yêu cầu Sở GTVT phải đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư của toàn bộ dự án.
Đồng thời khẩn trương tổ chức đấu thầu, chấm thầu và khởi công xây dựng đường vành đai 2... "Các sở, ngành, quận, huyện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA, vì thời hạn giải ngân cuối cùng vào năm 2013, do vậy, khối lượng xây lắp cơ bản phải xong trong năm 2012 thì mới hoàn thành việc giải ngân. Với tiến độ một số dự án ODA như hiện nay, nếu không giải ngân kịp, hậu quả sẽ rất khó lường”, Ông Khôi kết luận.
Thêm một lần nữa, UBND TP Hà Nội ra "tối hậu thư” với các chủ đầu tư. Song với thời hạn hơn 16 tháng như "dự định”, lượng kế hoạch lớn chưa từng thấy, dự án liệu có kịp tiến độ, để 83,5% nguồn vốn ODA có thể giải ngân?
Theo Đại Đoàn Kết